• Zalo

Thủ tướng: Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng, kiên định đường lối mở cửa

Tin nhanh 24hChủ Nhật, 05/06/2022 20:01:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất.

Chiều 5/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên toàn thể, tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư với chủ đề "Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới" tại TP.HCM.

Thủ tướng nói, diễn đàn thống nhất cao và khẳng định chủ trương đúng đắn, nhất quán, xuyên suốt, khách quan và có hiệu quả của Đảng, Nhà nước ta, là kiên định đường lối đổi mới, tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế là một trong 9 mối quan hệ lớn được Đảng ta khẳng định.

Thủ tướng: Việt Nam không chọn nền kinh tế đóng, kiên định đường lối mở cửa - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại tọa đàm cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới. 

"Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Đồng thời tạo môi trường pháp lý phù hợp, ổn định và điều kiện thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các doanh nghiệp, đối tác đầu tư, kinh doanh lâu dài, hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" và tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, Việt Nam mong muốn là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm và sẵn sàng chung tay cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức có tính chất toàn cầu, toàn dân", Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ nhắc lại một số quyết định cho thấy sự đúng đắn và tự tin trong các quyết sách phòng, chống dịch của Đảng, Nhà nước, như quyết định tổ chức SEA Games 31 ở thời điểm tháng 10 và 11 năm 2021, ngay khi vừa chuyển trạng thái phòng, chống dịch, hay quyết định mở cửa du lịch ngày 15/3, lúc Hà Nội ở đỉnh dịch.

Tại diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi. Nhưng không vì thế mà hoang mang, lo sợ, mất bản lĩnh, cũng không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác để ứng phó với mọi diễn biến của tình hình.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả là hết sức cần thiết, tất yếu khách quan. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ là một yếu tố then chốt để bảo đảm độc lập, chủ quyền và lợi ích quốc gia dân tộc; cách thức hiệu quả để nâng cao thế và lực của đất nước, phát huy sức mạnh dân tộc gắn với sức mạnh thời đại; là phương thức hữu hiệu góp phần giải quyết những vấn đề nội tại đặt ra đối với nền kinh tế.

Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm như độ mở của nền kinh tế lớn (gần 200% GDP), chịu tác động, ảnh hưởng nhanh, nhạy trước các cú sốc bên ngoài; khả năng hấp thụ, nội lực hóa ngoại lực còn hạn chế; yêu cầu cấp thiết phải xử lý các thách thức đối với phát triển bền vững; sự cần thiết phải huy động hiệu quả các nguồn lực, đa dạng hóa các chuỗi cung ứng nhất là trong bối cảnh thế giới đầy biến động, khó dự báo hiện nay...

Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải tạo môi trường hòa bình, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị - xã hội, ổn định môi trường pháp lý, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng.

Chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, tạo thế đan xen lợi ích; tích cực tham gia sâu, góp phần định hình "luật chơi" trong hội nhập quốc tế.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đồng bộ, hiện đại, hội nhập, phù hợp với cam kết quốc tế. Tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường nhưng có can thiệp của Nhà nước khi cần thiết để bảo vệ thị trường, bảo vệ doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân.

Thứ ba, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế (thu chi, xuất nhập khẩu, lương thực thực phẩm, năng lượng và lao động). Phối hợp đồng bộ, hiệu quả, linh hoạt các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác.

Thứ tư, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất, hiệu quả hơn, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong đó, chú trọng xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, các ngành công nghiệp công nghiệp nền tảng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển kinh tế đô thị, liên kết vùng, kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cuối cùng là phát triển nguồn nhân lực và quản trị quốc gia hiện đại.

Hoàng Thọ
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp