• Zalo

Thủ tướng và 4 bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp

Thời sựThứ Hai, 10/11/2014 12:20:00 +07:00Google News

Danh sách dự kiến 5 vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Danh sách dự kiến 5 vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp đã được gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Sáng 10/11, danh sách dự kiến 5 vị bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp 8 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội  gửi xin ý kiến đại biểu để lựa chọn 4 vị.

5 bộ trưởng được dự kiến là bộ trưởng các bộ Công Thương, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Lao động - Thương binh và Xã hội.

Sau khi các vị bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng sẽ làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết. 

Các nhóm vấn đề cũng đã được dự kiến cho mỗi vị. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ trả lời về việc phát triển công nghiệp phụ trợ, phát triển công nghiệp chế tạo trong nước, các giải pháp quản lý thị trường, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng hàng giả, buôn lậu.

Sự tham gia của Việt Nam đối với hệ thống phân phối bán lẻ trong nước, giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế trong lĩnh vực này cũng là nội dung dự kiến dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

“Chia lửa”cho Bộ trưởng Hoàng sẽ có các vị bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…

Đối với Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình, một nhóm vấn đề được đặt ra là việc thực hiện cải cách hành chính, giảm thủ tục hành chính gắng với nâng cao chất lượng công vụ.

Nhóm vấn đề khác là giải pháp thực hiện đề án tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, khắc phục tình trạng cấp phó quá nhiều ở các cơ quan trung ương, nâng cao năng suất lao động, cải cách chế độ tiền lương.

Kết quả tổng kết, đánh giá toàn diện đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xử lý các biểu hiện tiêu cực trong công tác uy hoạch, tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức, viên chức là nhóm vấn đề thứ 3 đặt ra đối với Bộ trưởng Nội vụ.

Nhóm vấn đề thực hiện lộ trình tăng lương thích hợp để đảm bảo cuộc sống của công chức, của người có thu nhập thấp; xem xét vấn đề lương hưu, nhất là đối với những người về hưu trước năm 1995 cũng nằm trong nhóm dành cho Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình.

Nếu được chọn đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ được “chia lửa” từ một số vị đồng cấp ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng được dự kiến trả lời về tình trạng chung của hạ tầng giao thông; giải pháp đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, giải pháp sớm hoàn thành quốc lộ 1A; giải pháp hạn chế tai nạn giao thông trong tình hình hiện nay, đặc biệt là tai nạn giao thông đường bộ; trách nhiệm của Bộ và chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn giao thông.

Nhóm vấn đề khác sẽ dành cho Bộ trưởng Thăng là về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an được chọn ở vị trí tham gia thêm trong phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thăng.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhận một số nhóm vấn đề để chất vấn như quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tình hình và công tác quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; thực trạng thất nghiệp hiện nay, đặc biệt là sinh viên mới ra trường; giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, tăng mức trợ cấp xã hội để đảm bảo an ninh xã hội.

Đối với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, có 3 nhóm vấn đề đặt ra. Trước hết là trách nhiệm của ngành trong tăng năng suất lao động; giải pháp áp dụng có hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống, sản xuất, quản lý xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề tiếp theo là trách nhiệm của Bộ trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện cơ chế, chính sách bảo đảm chất lượng sản phẩm hàng hoá, kiểm định công nghệ nhập khẩu theo quy định.

Nhóm vấn đề thứ 3 là việc thực hiện chuyển đổi các tổ chức khoa học và công nghệ theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và việc phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thực trạng, hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia.

Vẫn như kỳ trước, phiếu xin ý kiến không thiết kế mục đề xuất bộ trưởng khác, mà chỉ thiết kế để đại biểu có thể đề xuất nội dung chất vấn khác ngoài các nhóm vấn đề đã được dự kiến sẵn.

Sau khi các vị bộ trưởng trả lời chất vấn, Thủ tướng sẽ làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết.

Ngay sau khi nhận được phiếu xin ý kiến, một số vị đại biểu đã bày tỏ băn khoăn về cách dự kiến danh sách người trả lời chất vấn.

Theo nghị trình, bắt đầu từ thứ Hai tuần sau (17/11), Quốc hội sẽ bắt đầu chất vấn các thành viên Chính phủ trong 3 ngày liên tục.

Theo VnEconomy
Bình luận
vtcnews.vn