• Zalo

Thủ tướng: Ưu tiên dùng nguồn tiết kiệm chi để nâng cấp đoạn cao tốc 2 làn xe

Tin nóngThứ Năm, 11/04/2024 14:48:49 +07:00Google News
(VTC News) -

Về phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên cho giao thông vận tải, cụ thể là một số đoạn cao tốc hiện chỉ có 2 làn xe.

Chỉ đạo trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu bế mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 4, diễn ra ngày 11/4.

Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Tài chính chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Đề cập đến phương án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2023, Thủ tướng lưu ý cần thực hiện đúng Luật Ngân sách, có thứ tự ưu tiên, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa, hợp lý, cân đối giữa các vùng miền, lĩnh vực.

Người đứng đầu Chính phủ quán triệt việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án đã xong thủ tục, các lĩnh vực ưu tiên như hạ tầng chiến lược, giao thông vận tải, trong đó có các dự án cấp bách, một số đoạn cao tốc hiện chỉ có 2 làn xe…

Về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Thủ tướng nêu rõ, công cụ thuế cần bảo vệ sản xuất trong nước, khuyến khích các lĩnh vực ưu tiên, nhưng hợp tình, hợp lý, phù hợp tình hình, linh hoạt; tính toán hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, buôn lậu.

Thủ tướng cho rằng cần khuyến khích đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khuyến khích xuất khẩu… Với những mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô như năng lượng, lương thực, thực phẩm thì phải tính toán rất kỹ.

Cùng với các nội dung cụ thể của phiên họp, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan tích cực chuẩn bị phục vụ Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.

Nêu rõ số lượng các dự án luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp này rất lớn (khoảng 18 dự án luật), Thủ tướng đề nghị các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy định, chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng dự án luật, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình, ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 (5 nghị định và 2 quyết định của Thủ tướng). 

Đặc biệt, khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét, ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản (trước ngày 15/5).

Thủ tướng giao Bộ trưởng Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan ngang Bộ; báo cáo, kiến nghị Thủ tướng xem xét, xử lý trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường giám sát, kiểm tra; cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, tiết giảm chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp ngay trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh; khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.

Cũng theo yêu cầu của Thủ tướng, cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng các quy định pháp luật mới nhằm thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đặc biệt là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực phát triển mới như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi.

Anh Nhật
Bình luận
vtcnews.vn