Sau hơn 1 ngày lắng nghe ý kiến từ các bộ ngành, địa phương, đại diện các doanh nghiệp, sáng 29/12, kết luận Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các ý kiến phát biểu đều tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện quyết tâm, khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Đối với những vấn đề cụ thể không đưa vào nghị quyết, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và thông báo cho các địa phương. "Các Bộ trưởng, tư lệnh ngành không được im lặng với các đề nghị của các địa phương", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương phải thường xuyên trao đổi, xử lý các vấn đề bức xúc trong sản xuất kinh doanh và đời sống, “không nên cứ phải văn bản qua, giấy tờ lại, gây mất thời gian, mất cả thời cơ xử lý”. Phong cách làm việc mới phải được đưa ra để chấn chỉnh nạn quan liêu, giấy tờ.
Đánh giá về kết quả kinh tế - xã hội năm 2020 và trong 5 năm 2016 - 2020, Thủ tướng dẫn lại 2 câu thể hiện khái quát, sâu sắc trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại hội nghị: "Năm 2020 được xem là năm thành công hơn năm 2019 và là năm thành công nhất trong 5 năm qua với những kết quả, thành tích đặc biệt. Những kết quả, thành tích đó góp phần làm nên những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ 2016-2020 và là thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Thủ tướng cho biết, mục tiêu kép được thực hiện thành công, vĩ mô ổn định, giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất, phát triển văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả, quốc phòng, an ninh đảm bảo, đặc biệt là thành công trong đối ngoại.
Tuy nhiên, hướng đến năm 2021, ông lưu ý lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, nền kinh tế còn nhiều hạn chế, yếu kém, đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua.
Thủ tướng cho rằng, nguy cơ, thách thức đặt ra trong năm 2021 là kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, xu hướng bảo hộ diễn ra, đặc biệt COVID-19 tác động tiêu cực và kéo dài. Trong nước gặp khó khăn do tác động dịch bệnh, thiên tai, hạn hán.
Với chủ đề năm 2021 là "Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo và khát vọng phát triển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh định hướng điều hành là tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0 và xu hướng dịch chuyển đầu tư thương mại, chuyển đổi số trong khi khu vực và thế giới. Kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức.
"Từ đầu năm nay, phải bắt tay vào việc ngay. Cần phải có tâm huyết, sáng tạo, lăn xả, hy sinh làm việc cho bộ, ngành mình phát triển", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong thời gian tới, các bộ, ngành cần xác định rõ mục tiêu tăng trưởng kinh tế là đặc biệt quan trọng. Tăng trưởng không chỉ tạo nên nền tảng vững chắc cho ổn định vĩ mô mà còn bảo đảm việc làm, thu nhập, tạo nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đồng thời góp phần chống tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Chính phủ đã trình Bộ Chính trị, Trung ương và Quốc hội thống nhất mức tăng trưởng khoảng 6% GDP năm 2021. Thực tế trong thảo luận có ý kiến cho rằng nên đặt thấp hơn khoảng 5,5% nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên cao hơn, khoảng 6,5-7%, nhiều tổ chức quốc tế còn dự báo khoảng 6,8-7%, thậm chí có tổ chức còn dự báo trên 8%.
Trước tình hình thực tế về yêu cầu phát triển, Thủ tướng đặt ra mục tiêu phấn đấu trong chỉ đạo điều hành đạt khoảng 6,5% hoặc cao hơn, đồng thời chuẩn bị các yếu tố nền tảng để tăng tốc trong giai đoạn từ 2022 trở đi.
Các bộ, địa phương chú trọng đổi mới quản trị quốc gia, tiếp tục xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền, bảo đảm vai trò quản lý thống nhất của địa phương, phát huy tính chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu việc đón năm mới 2021 và Tết Nguyên đán mọi người không được lơ là trong phòng chống dịch COVID-19. Mọi gia đình, cơ quan cảnh giác để đón Tết yên vui. Quản lý thị trường ổn định giá cả, không để xuất hiện hàng gian, hàng giả.
Đảm bảo an ninh, an toàn sức khỏe cho người dân, lo cho người dân đón Tết vui tươi, an toàn, nhất là người dân vùng yếu thế, khó khăn, vùng thiên tai.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu không tổ chức đi chúc Tết cấp trên, lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu tặng quà Tết cho lãnh đạo dưới mọi hình thức, không sử dụng xe công trong khu vực vui chơi.
Bình luận