• Zalo

Thủ tướng: Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình giáo dục thành công

Thời sựChủ Nhật, 08/12/2019 15:45:00 +07:00Google News

Theo Thủ tướng, Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình giáo dục thành công của Việt Nam, với nhiều bài học về chuẩn bị nguồn nhân lực.

Sáng 8/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 65 năm Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện di chúc Bác Hồ.

Bày tỏ sự xúc động khi được gặp lại các thầy cô, những cán bộ, anh chị và bạn bè “một thời quây quần, gắn bó bên nhau dưới mái trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc”, Thủ tướng nói: "65 năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm trong giai đoạn học tập và sống trong lòng đồng bào miền Bắc ngày đó luôn khắc ghi trong ký ức của mỗi chúng tôi, những cựu học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc.

Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ của chiến tranh phá hoại, chúng tôi được đồng bào miền Bắc cưu mang, đùm bọc, nhường cơm sẻ áo, tạo mọi điều kiện nơi ăn chốn ở tốt nhất, dành cả tình cảm yêu thương, quý mến con em miền Nam như người thân trong gia đình. Những ân tình đó của đồng bào miền Bắc, công ơn tận tình dạy dỗ, chỉ bảo, uốn nắn của các thầy cô giáo, chúng tôi luôn ghi nhớ trong lòng”.

Thủ tướng cho biết, nhờ sự chăm nom, nuôi dạy đặc biệt của Đảng, Chính phủ, của nhân dân và sự rèn luyện không ngừng của bản thân, phần lớn trong hơn 32.000 học sinh miền Nam trưởng thành vượt bậc, có đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước và xây dựng Tổ quốc.

thu tuong nguyen xuan phuc 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu dự lễ kỷ niệm. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu) 

Tháng 5/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập các trường thiếu sinh quân Việt Nam, đào tạo đội ngũ cán bộ cho cách mạng từ tuổi niên thiếu. Đây là nơi trưởng thành của rất nhiều tướng lĩnh, cán bộ các ngành sau này. Từ thành công của mô hình này, Đảng và Bác Hồ đề ra chủ trương đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam và cho cả nước bằng cách lập các trường học sinh miền Nam.

Hệ thống trường rất đa dạng, phù hợp với từng lứa tuổi, từng đối tượng, từ mẫu giáo, cấp 1, cấp 2, cấp 3 và bổ túc văn hóa, có cả trường cho con em đồng bào các dân tộc miền núi… Đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý, phục vụ được tuyển chọn từ những lực lượng ưu tú của ngành giáo dục và các địa phương. 

Có thể nói trong hoàn cảnh miền Bắc còn muôn vàn khó khăn, lại phải dồn toàn bộ nguồn lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thì những gì tốt đẹp nhất về nguồn lực trí tuệ, về con người, cơ sở vật chất của miền Bắc thời đó đều ưu tiên cho học sinh miền Nam”, Thủ tướng đánh giá.

Các học sinh miền Nam thời đó phải mang ba lô, võng nằm vượt Trường Sơn ra Bắc. Nhiều người vừa học xong lớp 10 tình nguyện xông pha chiến trường, không ít cựu học sinh miền Nam anh dũng hy sinh ở lứa tuổi thanh xuân như các anh hùng Nguyễn Kim Vang, Hải Quân, Võ Văn Mẫn, Lê Khương, Lê Anh Xuân, Trần Trung Thất, nhà văn Chu Cẩm Phong, nhà báo Lê Đình Phụng. Nhiều người bị địch bắt, đánh đập, tù đày nhưng không khai báo… 

Trong những học sinh miền Nam lớp sau có hàng chục người nguyên là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ cương vị chủ chốt của các bộ, ban, ngành ở trung ương, nhiều người là thành viên Chính phủ, lãnh đạo tỉnh và thành phố, nhiều nhà khoa học, nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng.

thu tuong nguyen xuan phuc 2 4

  Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Ở thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước, rất nhiều "hạt giống đỏ" học sinh miền Nam khẳng định tên tuổi trên mặt trận phát triển kinh tế

Thủ tướng cho rằng, sau 65 năm nhìn lại, có thể khẳng định rằng Trường Học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình giáo dục thành công của Việt Nam, để lại nhiều bài học về giáo dục, chăm lo chuẩn bị nguồn nhân lực, đào tạo các thế hệ cách mạng cho đời sau, bài học về tầm nhìn chiến lược, mục tiêu đào tạo và tổ chức điều hành.

Từ sự trưởng thành dưới mái trường học sinh miền Nam, tôi cảm nhận đối với học sinh, nhân vật trung tâm, nhà trường ngày hôm nay không chỉ cần dạy kiến thức, dạy kỹ năng sống mà còn phải biết truyền cảm hứng, gợi mở tư duy”, Thủ tướng nói. 

Đại diện Ban Liên lạc các học sinh miền Nam, GS.TS Lê Du Phong khẳng định, phương châm giáo dục có giá trị to lớn được thực hiện ở các trường học sinh miền Nam chính là: Dạy làm người - tự chủ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; học đi đôi với hành, nhà trường gắn liền với xã hội, thầy cô giáo gắn liền với học trò.

Muốn có nền giáo dục tốt, trước hết phải có đội ngũ giáo viên tốt. Thầy cô giáo ở các trường học sinh miền Nam năm xưa vừa là người thầy truyền dạy kiến thức, vừa như người cha, người mẹ xây đắp cho các con nhân cách, tình cảm và lối sống để làm một con người đúng nghĩa”, ông Phong nói.

Thái Bình
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn