(VTC News) – Bất cập của thủy điện là vấn đề nhiều ĐBQH quan tâm đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời thấu đáo trong phiên chất vấn chiều 21/11.
Chiều 21/11, quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với phần đăng đàn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại hội trường đã có 14 vị đại biểu quốc hội với 14 câu hỏi được đưa ra chất vấn trực tiếp.
Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi nhiều nhất là việc các hồ thủy điện xả lũ không báo trước khiến người dân trở tay không kịp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Dung và Đỗ Văn Đương đề nghị Thủ tướng có chỉ đạo cụ thể để tránh tình trạng thủy điện xả lũ không báo trước khiến dân trở tay không kịp.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thủy điện là tiềm năng lớn của nước ta, cần phải khai thác, sử dụng và phát triển. Trong những năm qua thủy điện góp phần đảm bảo điện năng cho sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó, phát triển thủy điện cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cả trong việc lập, phê duyệt, thi công, xây dựng dự án. Hạn chế trong di dân tái định cư, hạn chế trong việc đảm bảo môi trường sinh thái.
“Những hạn chế này có nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là yếu kém trong quản lý nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương”, Thủ tướng thừa nhận.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ đang khẩn trương, tiếp tục chỉ đạo khắc phục các yếu kém này. Trong kỳ họp này đã có báo cáo rất đầy đủ về các mặt tích cực cũng như các mặt chưa được trong phát triển thủy điện. Các đại biểu Quốc hội cũng đã rất tâm huyết khi đặt ra các câu hỏi về vấn đề này.
Thời gian tới, theo Thủ tướng, sẽ tiếp tục phát huy mặt tích cực của thủy điện, đảm bảo điện năng phát triển đất nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, phải tập trung khắc phục các tồn tại, yếu kém được nêu trong báo cáo cũng như ý kiến các đại biểu đã nêu. Phát triển thủy điện phải đảm bảo 4 yếu tố: kinh tế, xã hội, môi trường, cũng như an toàn.
Các nhóm giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện được Thủ tướng nêu ra bao gồm: Thứ nhất, đối với 268 nhà máy đang vận hành sẽ rà soát, đánh gía lại độ an toàn, dự án nào không an toàn phải ngừng ngay.
Rà soát bổ sung quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt để phù hợp với diễn biến thực tế. Quy trình này phải được thực hiện cả mùa mưa lũ và mùa cạn kiệt. Phần nào vượt ngoài dự báo phải cập nhật bổ sung.
“Quy trình vận hành cũng phải công khai cho dân biết, chứ không phải đến mùa lũ mới cho dân biết. Yêu cầu Ủy ban nhân dân các địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý, buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định an toàn vận hành hồ chứa, chủ đầu tư nào không thực hiện đúng phải xử lý nghiêm từ hành chính đến pháp luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời phải nghiên cứu, đề xuất chính sách bổ sung với các hộ nghèo ở vùng phát triển thủy điện. Rà soát sửa đổi chính sách di dân tái định cư cho các dự án thủy điện.
Rà soát lại bổ sung cơ chế chính sách, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cam kết trồng lại rừng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm trình cơ chế này.
Đối với Nhóm 2 là 205 dự án đang khởi công, phải rà soát đánh giá thiết kế kỹ thuật có an toàn không, nếu chưa an toàn phải dừng lại, bổ sung. Xem xét lại phương án tái định cư có đúng chính sách pháp luật không.
Phương án trồng lại rừng như thế nào, buộc phải thực hiện khi đang xây dựng, quy trình vận hành hồ chứa phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Làm sao 1 dự án thủy điện đi vào hđ đảm 4 nhiệm vụ: kinh tế, xã hội, môi trường và an toàn.
Còn với Nhóm 3 là 248 dự án chưa khởi công xây dựng thì quản lý quy hoạch và chấp thuận đầu tư phải chặt chẽ và trách nhiệm cao hơn.
“Quy hoạch thủy điện trong cả nước mà cụ thể là 248 dự án này, Bộ Công thương phải chịu trách nhiệm quy hoạch quản lý thống nhất quy hoạch cả nước, Bộ Công thương cùng các Bộ liên quan và địa phương rà soát, thẩm định lại, trước khi phê duyệt phải báo cáo Thủ tướng, Thủ tướng đồng ý mới được thực hiện”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc chấp nhận đầu tư dự án mới phải làm chặt chẽ hơn. Đối với dự án nhóm B, C, Bộ Công thương lập Hội đồng thẩm định, đạt các tiêu chí mới đươc chấp thuận đàu tư.
Còn đối với dự án nhóm A thì Bộ Kế hoạch đầu tư sẽ lập hội đồng xét duyệt Nhà nước, trình Thủ tướng thẩm định.
Chiều nay, báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, nợ công hiện trong giới hạn an toàn và ổn định, nợ xấu còn cao, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn; thị trường chứng khoán phục hồi chậm.
Châu Anh
Bình luận