Sáng 23/6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vị trí quan trọng của TP.HCM không chỉ với miền Nam mà cả nước.
Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ kinh tếxã hội 6 tháng cuối năm của TP, chỉ tiêu đặt ra rất quan trọng đối với kinh tế - xã hội của cả nước.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo TP phân tích những mặt nổi bật, tồn tại của TP, thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển, xử lý giải quyết, Chính phủ lắng nghe tạo điều kiện của TƯ cho TP để TP vì cả nước, cả nước vì TP.
TP phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu TP có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung. TP không chỉ là trung tâm kinh tế khoa học xã hội của cả nước, mà cạnh tranh của khu vực ASEAN.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu đưa TP trở thành thành phố toàn cầu, thành phố thông minh, phát triển. Bộ ngành TƯ có trách nhiệm, ý kiến với TP thẳng thắn, những gì bất cập của TP có gì để làm cho tốt hơn.
Xin đăng cai tổ chức Seagame 31
Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TP đồng thời nêu các kiến nghị. Trong đó có các kiến nghị tháo gỡ cơ chế chính sách tài chính đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi cho TP phát huy vai trò đầu tầu kinh tế.
Cụ thể, TP kiến nghị bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách TƯ cho 2 dự án trọng điểm là tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên, dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ.
Hai dự án này cần tổng vốn 29.512 tỷ đồng nhưng hiện mới bố trí được 11.517 tỷ đồng. Bên cạnh đó kiến nghị tạm ứng 3.303 tỷ đồng vốn ODA năm 2017 cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 1.
Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương tiếp nhận khoản vay 200 triệu EUR của Ngân hàng Đức cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2.
Ngoài ra, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án sử dụng nguồn vốn từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (do UBND TP là đại diện chủ sở hữu) và thoái vốn đầu tư tại các doanh nghiệp khác (do UBND TP làm chủ sở hữu).
Trong giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị Thủ tướng chấp thuận bố trí 9.963 tỷ đồng từ nguồn vốn của SCIC cho 36 dự án chống ngập cấp bách của TP.
Video: Công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng hoạt động ra sao?
Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung 10.000 tỷ đồng cho thành phố để đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống cảng sông, cảng biển (như sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước) để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn…
Về thủ tục đầu tư các dự án thoát nước, giảm ngập, Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cho biết hiện nay, TP đang gặp một số khó khăn về thủ tục đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án thoát nước, giảm ngập.
Để có cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước, giảm ngập thuộc Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; TP.HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép TP triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
TP.HCM cũng xin ý kiến Thủ tướng cho phép TP.HCM đăng cai tổ chức Seagame 31 vào năm 2021.
Bình luận