Sáng 5/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường hiện có hơn 1.700 học sinh, trong đó có hơn 200 trẻ khiếm thị.
Nhấn mạnh lễ khai giảng là sự kiện quan trọng được Đảng, Nhà nước, nhân dân và mọi gia đình quan tâm, Thủ tướng cho rằng, trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, ngôi trường đã thành lập được 34 năm, là một câu chuyện thành công đầy thuyết phục về quan điểm phát triển giáo dục của Đảng, Nhà nước ta.
Đó là tất cả mọi người dân, người bình thường hay khuyết tật đều được tạo điều kiện thuận lợi, được quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương trường Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh, mà đầu tiên là bằng trách nhiệm, tình yêu thương sâu sắc, niềm tin vào tiềm năng con người, đã xây dựng một môi trường hòa nhập, rất thân thiện và nhân văn để những học sinh khiếm thị hay bình thường sống cùng nhau, vui chơi, kết bạn với nhau. Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa của môi trường giáo dục này khi nước ta có hơn 2 triệu người khiếm thị.
Tôi đặc biệt xúc động khi đọc câu chuyện về thầy Phạm Đình Thắng, người thầy mù luôn tận tụy vì nghề, với từng cá nhân các em học sinh khiếm thị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
“Tôi rất xúc động và tự hào khi đọc trên báo câu chuyện về tấm gương của những người thầy, người cô trường Nguyễn Đình Chiểu. Đó là cô Nguyễn Thúy Ngà, cô Trương Thúy Hằng… Tôi đặc biệt xúc động khi đọc câu chuyện về thầy Phạm Đình Thắng, người thầy mù luôn tận tụy vì nghề, với từng cá nhân các em học sinh khiếm thị. Dù thầy không có Kiều Nguyệt Nga bên cạnh nhưng thầy Phạm Đình Thắng chính là Lục Vân Tiên của thời nay”, Thủ tướng nói.
Nghề giáo là nghề cao quý nhưng cũng nhiều thách thức. Làm thầy, cô giáo của các em học sinh khiếm thị càng đòi hỏi sự tận tụy đến cùng, lòng kiên trì đặc biệt và tính hi sinh, Thủ tướng chia sẻ.
Các thầy, các cô trong ban giám hiệu nhà trường, các thầy, cô dạy trực tiếp và cán bộ công nhân viên ở đây đã thực sự như người cha, người mẹ thứ hai của các em học sinh.
Thủ tướng cho rằng, đổi mới, chấn hưng giáo dục thì phải từ cơ sở, các thầy, cô giáo là nhân tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa nhà trường và xã hội cũng là một yếu tố thành công của giáo dục đào tạo, đặc biệt là các cấp học phổ thông.
Trường Nguyễn Đình Chiểu cần làm tốt hơn nữa việc đưa xã hội đến với nhà trường, kết nối với cộng đồng và doanh nghiệp, đưa các em học sinh hòa nhập với các hoạt động văn hóa, xã hội ngay chính tại ngôi trường thân yêu của mình.
Thủ tướng đánh giá cao các sáng kiến của trường như dự án Ngôi nhà nghệ thuật do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tài trợ. Thủ tướng cũng đề nghị trường Nguyễn Đình Chiểu xây dựng một trang web làm cầu nối tốt hơn nữa giữa nhà trường và xã hội. “Cá nhân Thủ tướng sẽ trực tiếp cập nhật thông tin về các hoạt động của trường Nguyễn Đình Chiểu qua trang web này”, Thủ tướng khẳng định.
Đánh giá cao vai trò quan trọng của gia đình, Thủ tướng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục, đào tạo, nuôi dưỡng, chăm sóc các em học sinh; tham gia công cuộc cải cách, đổi mới, chấn hưng giáo dục.
“Chúng ta luôn có niềm tin vào con em mình, tạo điều kiện cho các em hòa nhập đầy đủ, toàn diện, để các em trưởng thành, thành con người có ích cho xã hội. Lòng nhân ái, tình yêu thương, những điều quan trọng đó làm nên phẩm giá con người”.
“Người bình thường học thành tài đã khó, người khuyết tật càng khó khăn. Chính vì vậy người bình thường và cả người khiếm thị không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Các cháu phải luôn ý thức bên cạnh mình có những người thầy, người cô luôn tin tưởng vào các cháu, có những người bạn học luôn chia sẻ, đồng hành”, Thủ tướng nhắn nhủ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng mong muốn các học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu không tự ti, mặc cảm, hòa đồng với tập thể, môi trường xã hội mà mình đang sống. Các học sinh phải thương yêu, đoàn kết, không phân biệt đối xử; lễ phép với gia đình, cha mẹ, ông bà, thầy cô.
Thủ tướng mong muốn từ ngôi trường này, sẽ có thêm những người thành công trong cuộc sống như nghệ sỹ Nguyễn Thanh Tùng, đại sứ âm nhạc từng biểu diễn tại Hội nghị APEC 2006 tại Hà Nội, từng lưu diễn tại nhiều nước châu Âu; như Đào Thu Hương, nữ thủ khoa Đại học Sư phạm; hiệp sĩ công nghệ thông tin Khúc Hải Văn…
Cô Phạm Thị Kim Nga, hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu cam kết nhà trường sẽ thực hiện thật tốt nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD&ĐT với “nhiều sáng tạo, đổi mới, tận tâm, tận lực vì sự nghiệp trồng người để chung tay xây dựng một nhà trường thân thiện, nhân văn, để nơi đây không có một học sinh nào bị lãng quên, để nơi đây thực sự là tổ ấm của mỗi em học sinh thân yêu của chúng ta”.
Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu được thành lập năm 1982 với sứ mệnh nuôi dạy trẻ em khiếm thị của Thành phố Hà Nội để các em có thể hòa nhập cộng đồng, sống tự lập và đóng góp cho xã hội. Hiện trường có hơn 200 trẻ khiếm thị học cùng 1.500 trẻ không khuyết tật.
Bình luận