• Zalo

Thủ tướng tham gia Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam

Tin nóngThứ Bảy, 15/10/2022 15:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Theo Thủ tướng, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để họ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước.

Sáng nay (15/10), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”. Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu chính ở Hà Nội và trực tuyến tại 62 điểm cầu trên cả nước.

Cùng dự có bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, các uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng là lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các uỷ ban của Quốc hội, các bộ, ngành, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội Trung ương và lãnh đạo TP Hà Nội.

Tham dự hội nghị đối thoại tại các điểm cầu có các lãnh đạo Tỉnh/thành uỷ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố và hơn 5.000 hội viên, phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực, cán bộ Hội các cấp.

Thủ tướng tham gia Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam - 1

Toàn cảnh hội nghị

Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5%, góp phần đưa chỉ số kết quả tiến bộ của phụ nữ trong doanh nghiệp của Việt Nam xếp thứ 9 trên tổng 58 nước, xếp thứ 2 trong 6 nước Đông Nam Á được nghiên cứu.

Nhân kỷ niệm 92 năm thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2022, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ, các chị, các em phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, Phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ luôn có vai trò đặc biệt, có nhiều đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển của đất nước. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ với nhiều chủ trương, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phụ nữ trong tạo việc làm, khởi nghiệp…

Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường, điều kiện thuận lợi để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế, vai trò và có nhiều cơ hội đóng góp cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chúng ta còn nhiều việc phải làm để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người phụ nữ, để phụ nữ có cơ hội, điều kiện đóng góp cho xã hội, cho đất nước, để không ai bị bỏ lại phía sau.

Thủ tướng tham gia Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam - 2

Thủ tướng gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bà, các mẹ, các chị em phụ nữ Việt Nam.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Cuộc đối thoại hôm nay là để lắng nghe, chia sẻ, cùng giải quyết và cùng có trách nhiệm thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ ở 3 nhóm chủ đề: Phụ nữ với phát triển kinh tế; Phụ nữ và các vấn đề an sinh xã hội, bình đẳng giới; Phụ nữ và thế hệ tương lai.

Chúng ta cần nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được để tiếp tục có các giải pháp nhằm cải thiện, tạo động lực để phụ nữ làm việc, cống hiến. Cuộc đối thoại không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, nhưng chúng ta phải có ý thức, không ngừng giải quyết các vấn đề nảy sinh, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu vươn lên”.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, chân thành, các đại biểu đã đặt các câu hỏi, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng cùng các bộ ngành trả lời về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước.

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, thân thành, các đại biểu đã đặt các câu hỏi, đề đạt những tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng cùng các bộ ngành trả lời về những vấn đề còn băn khoăn, trăn trở, lo lắng của phụ nữ cả nước.

Về vấn đề mở rộng đối tượng trong tài chính vi mô để chị em phụ nữ tiếp cận nguồn vốn một các dễ dàng hơn, bà Đỗ Thị Ninh thuộc Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương chi nhánh Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Để tài chính vi mô trở thành công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện chủ trương của Nhà nước trong giảm thiểu tín dụng đen, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia, kính đề nghị Chính phủ có giải pháp để mở rộng đối tượng khách hàng và nguồn vốn vay cho các tổ chức tài chính vi mô, đồng thời quan tâm tạo điều kiện về khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tài chính vi mô được phát triển dịch vụ thanh toán chuyển tiền”.

Về vấn đề này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là chị em phụ nữ tiếp cận được với nguồn vốn vay, và sẵn sàng mở rộng đối tượng, phạm vi hoạt động cho tổ chức tín dụng vi mô.

“Chúng tôi cũng cho rằng nguyện vọng để mở tài khoản thanh toán cho khách hàng là những đối tượng vay vốn của các tổ chức tài chính vi mô là một nhu cầu cần thiết. Chính vì thế, trong chương trình sửa Luật Tổ chức tín dụng trong thời gian tới chúng tôi sẽ trình Quốc hội để cho phép các tổ chức tài chính vi mô có thể mở tài khoản thanh toán để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển tiền cũng như hoạt động tín dụng cho khách hàng” - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Ngân hàng Nhà nước cần có các biện pháp ưu tiên và hỗ trợ cho tổ chức vi mô được rộng phạm vi hoạt động và mở rộng đối tượng tiếp cận nhằm hạn chế được tín dụng đen và để các thành phần kinh tế vi mô được tiếp cận nguồn vốn một cách nhanh nhất.

Thủ tướng chỉ đạo: “Các đối tượng tiếp cận được các tổ chức tín dụng vi mô này còn hạn chế. Do đó, Ngân hàng phải suy nghĩ làm sao mở rộng đối tượng, mở rộng hạn mức, mở rộng thời gian cho phù hợp, thế mới gọi là ưu tiên. Khi mở rộng rồi, Ngân hàng phải có kế hoạch đảm bảo cung ứng nguồn tiền của các đối tượng được tiếp cận và hạn chế được tín dụng đen.

Muốn hạn chế tín dụng đen thì phải có nhiều cơ quan, trong đó có các cơ quan chức năng vào cuộc. Ngân hàng cũng phải chủ động để chị em tiếp cận dễ hơn, thuận lợi hơn và đảm bảo được yêu cầu nhưng vẫn phải bền vững và có điều kiện để trả nợ”.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu nữ đã đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề về các giải pháp để phụ nữ nông thôn tham gia tích cực và có nhiều đóng góp vào chương trình xây dựng Nông thôn mới; thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo cơ quan chức năng tích cực triển khai các thủ tục để công nhận và ghi danh áo dài Việt Nam vào danh mục văn hoá phi vật thể quốc gia.

Vũ Khuyên(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn