Tối 2/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Lễ kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm ngày Quảng Bình quật khởi và 35 năm ngày tái lập tỉnh.
Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, dù qua nhiều lần thay đổi địa giới và tên gọi, Quảng Bình luôn là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có vị trí chiến lược quan trọng của đất nước. Là trọng trấn của nhiều triều đại phong kiến, nơi chứng kiến nhiều thăng trầm của lịch sử, chịu đựng nhiều nỗi đau chia cắt và khởi đầu cho quá trình mở cõi về phương Nam của đất nước Việt Nam".
Theo Thủ tướng, Quảng Bình cũng là nơi giao thoa, hội tụ nhiều nền văn hóa lớn. Các thế hệ người dân Quảng Bình những phẩm chất cao đẹp và trân quý. Là vùng đất văn vật, nhân kiệt, quê hương của nhiều danh thần, tướng giỏi, hiền tài. Trong đó, có người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng - Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thủ tướng cho biết, sau gần 50 năm đất nước được thống nhất, đặc biệt là giai đoạn 35 năm tái lập tỉnh - một chặng đường ngắn trong lịch sử 420 năm của Quảng Bình - nhưng đó là thời kỳ đạt được nhiều kết quả to lớn, những thành tựu đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa đối với sự phát triển của tỉnh.
Trong đó, kinh tế tăng trưởng liên tục ở mức cao, bình quân thời kỳ 1991 - 2023 đạt 7,9%/năm. Năm 2023 so với năm 1990, quy mô kinh tế có bước nhảy vọt, gấp 180 lần, xếp thứ 25/63 cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 656 lần.
"Trong thời gian tới, Quảng Bình có có hội lớn để bứt phá thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung với trọng tâm là phát triển dịch vụ, du lịch, công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững", Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng cho rằng, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và quân và dân tỉnh Quảng Bình cần phát huy hơn nữa những thành tựu, kết quả đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên. Thủ tướng gợi ý 6 định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với Quảng Bình.
Thứ nhất: Tiếp tục nâng cao tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển, bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, không ỷ lại. Khắc phục bằng được những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm; chủ động hơn, sáng tạo hơn.
Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của nhân dân trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội và đẩy mạnh công tác đối ngoại.
Thứ hai: Phát huy hơn nữa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là các giá trị văn hóa, lịch sử, con người Quảng Bình. Các giá trị tốt đẹp phong trào “Gió Đại Phong”, phong trào “Hai giỏi”, khí phách “Quảng Bình quật khởi” - coi đây là cốt cách, bản sắc riêng và là nguồn lực to lớn để Quảng Bình phát triển thịnh vượng, bền vững.
Đặc biệt, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển Quảng Bình trở thành trung tâm của du lịch khám phá thiên nhiên, là điểm đến hấp dẫn và khác biệt, tầm vóc thế giới, phát huy lợi thế "Vương quốc hang động" với hệ thống hơn 500 hang. Trong đó, có các hang Sơn Đoòng, hang Én “độc nhất vô nhị” của thế giới; để du lịch thật sự là ngành mũi nhọn, đột phá phát triển kinh tế - xã hội, gắn với lợi ích cộng đồng, phát triển bền vững.
Thứ ba: Xác định phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu tất yếu khách quan, là nguồn tài nguyên vô tận, là động lực quan trọng nhất để thúc đẩy mạnh tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Thứ tư: Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, trong đó tập trung phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, tiềm năng mới, giá trị mới, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hình thành các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch mới, thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, tạo thêm sinh kế và nâng cao đời sống của người dân.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, năng lượng, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và các ngành, lĩnh vực mới nổi. Phát huy lợi thế về cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế để đưa Quảng Bình trở thành một đầu mối giao thương quan trọng ở miền Trung.
Thứ năm: Chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân. Tập trung phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội... Làm tốt hơn nữa công tác quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giữ gìn, bảo vệ môi trường, thiên nhiên, bảo đảm môi trường sống trong lành, an toàn, văn minh, hiện đại.
Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi những thắng cảnh đẹp, hang động, biển xanh, cát trắng, nắng vàng, rừng xanh - đây là những tài sản quý giá cần nâng niu, gìn giữ và phát huy cho muôn đời sau.
Thứ sáu: Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chú trọng hơn nữa công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì dân, gần dân, trọng dân gắn với nâng cao năng lực, phẩm chất của cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bình luận