Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với tất cả các bộ ngành liên quan bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tư Pháp, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Đối với thị trường chứng khoán, mục tiêu chung của Đề án là tiếp tục cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế; xây dựng cơ cấu hợp lý, cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn, giữa thị trường cổ phiếu và trái phiếu, giữa trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp; hỗ trợ tích cực quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân; tăng cường mở cửa và hội nhập với thị trường khu vực và thế giới.
Phấn đấu quy mô thị trường cổ phiếu đạt mức 100% GDP vào năm 2020 và 120% GDP vào năm 2025, quy mô thị trường trái phiếu đạt mức 47% GDP vào năm 2020 và 55% GDP vào năm 2025. Số lượng công ty niêm yết đến năm 2020 tăng 20% so với năm 2017.
Số lượng nhà đầu tư trên thị trường đạt mức 3% dân số vào năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư có tổ chức, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Để đạt được các mục tiêu, đề án đề ra 8 giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán bao gồm: 1- Hoàn thiện cơ sở pháp lý; 2- Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; 3- Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán; 4- Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán; 5- Cơ cấu lại tổ chức thị trường; 6- Nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi; 7- Giải pháp nâng hạng thị trường; 8- Tăng cường vai trò của các hội nghề nghiệp.
Bên cạnh các vấn đề về kỹ thuật, cơ sở pháp lý, đề án nhấn mạnh về việc nâng cao năng lực, quản lý giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm nâng cao tính minh bạch và chất lượng hàng hóa.
Cụ thể, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn huy động trên thị trường chứng khoán; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp tăng vốn ảo và sử dụng vốn sai mục đích; thực hiện phân bảng cổ phiếu niêm yết, nâng cao điều kiện niêm yết và điều kiện duy trì niêm yết đối với cổ phiếu trong từng bảng; bổ sung các tiêu chí về quản trị công ty, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ lợi nhuận trên quy mô vốn; bổ sung điều kiện về quy mô vốn, số lượng cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông nhỏ trong công ty đại chúng.
Tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính, việc giám sát và xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên hành nghề.
Xây dựng, triển khai Đề án áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết có quy mô lớn thực hiện công bố báo cáo tài chính theo chuẩn báo cáo tài chính quốc tế (IFRS); tăng cường đào tạo, tuyên truyền về quản trị công ty, chương trình đánh giá xếp loại quản trị công ty hàng năm cho các công ty niêm yết; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các Sở giao dịch Chứng khoán trong giám sát việc thực hiện các quy định về công bố thông tin và quản trị công ty.
Đồng thời, khuyến khích các tổ chức định mức tín nhiệm có uy tín tham gia thành lập doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, tiến tới quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng và niêm yết trái phiếu phải được định mức tín nhiệm.
Trước đó, nhân dịp đánh cồng khai trương hoạt động giao dịch chứng khoán đầu Xuân tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng nêu ra những hạn chế của TTCK như quy mô thị trường còn nhỏ, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tính minh bạch có nhiều cải thiện nhưng chưa cao, nhiều doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng chậm niêm yết trên sàn chứng khoán…
Theo đó, Thủ tướng đã đề nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trên thị trường chứng khoán, tạo dựng lòng tin cho công chúng, nhà đầu tư, giúp thị trường phát triển một cách ổn định và bền vững.
Thủ tướng cho rằng, nhiều người dân không dám đầu tư vào thị trường chứng khoán vì họ không tin đó là một kênh đầu tư đáng tin cậy và an toàn. Theo đó, cần phải chế tài, xử phạt nghiêm minh đối với các hành vi thao túng giá, giao dịch nội gián, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin giao dịch không đúng, làm cho thị trường chứng khoán gần với người dân hơn nhưng không phải bằng tư duy về một trò chơi như cách gọi “chơi chứng khoán” mà là phương thức đầu tư an toàn, hiệu quả.
Bình luận