Ngày 10/11, thông tin từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ký thay Thủ tướng Quyết định số 1386/QĐ-TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) theo phương thức PPP (đối tác công tư).
Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được phê duyệt với mục tiêu từng bước xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20.
Đồng thời, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông cho Quốc lộ 20 đang trong tình trạng quá tải, đặc biệt là các điểm đen về giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc.
Dự án có tổng chiều dài khoảng 66km. Trong đó, trên địa phận tỉnh Đồng Nai khoảng 11km (đi qua huyện Tân Phú); tỉnh Lâm Đồng khoảng 55km (đi qua huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc).
Điểm đầu Dự án tại Km60+100 (trùng với điểm cuối của Dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú tại cầu vượt trực thông nút giao Quốc lộ 20) thuộc địa phận xã Phú Trung, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai. Điểm cuối Dự án tại Km126+360, giao với đường Nguyễn Văn Cừ, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Dự án được đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 80km/h. Bố trí chiều rộng nền đường với 4 làn xe ô tô. Các đoạn nền đường đào sâu đắp cao tùy theo địa hình, địa chất của từng đoạn nghiên cứu mở rộng mặt cắt ngang theo giai đoạn hoàn chỉnh với bề rộng theo nguyên tắc đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật của dự án.
Xây dựng các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, hệ thống giao thông thông minh, trạm thu phí, trạm kiểm tra kỹ thuật dừng nghỉ trên tuyến… đảm bảo đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Dự kiến thời gian thực hiện từ năm 2021, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2026. Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án dự kiến khoảng 455ha (trong đó Đồng Nai khoảng 81ha, Lâm Đồng khoảng 374ha). Diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng là 186,21ha.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 17.200 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước tham gia dự án là 6.500 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng 4.500 tỷ đồng); phần vốn chủ sở hữu của các Nhà đầu tư khoảng 1.605 tỷ đồng; vốn huy động khác khoảng 9.095 tỷ đồng.
Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được hưởng các ưu đãi và bảo đảm đầu tư theo quy định tại Luật PPP và quy định pháp luật. Dự án không áp dụng cơ chế chia sẻ phần doanh thu giảm so với phương án tài chính của dự án. Phần doanh thu tăng sẽ được tính toán ở bước tiếp theo theo quy định và được cụ thể tại Hợp đồng dự án.
Các nhà đầu tư đề xuất dự án gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Thịnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung (do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm đại diện Liên danh các Nhà đầu tư).
Bình luận