Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL

Đầu TưThứ Bảy, 17/06/2023 12:43:00 +07:00
(VTC News) -

Sáng 17/6, tại tỉnh An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Đây là dự án trọng điểm quốc gia, tuyến cao tốc trục ngang đầu tiên tại ĐBSCL, kết nối khu vực với hệ thống đường cao tốc quốc gia có tổng mức đầu tư 44.691 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Theo nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án của Quốc hội, dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 sẽ cơ bản hoàn thành một số đoạn tuyến có lưu lượng giao thông lớn năm 2025, cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ toàn dự án năm 2027.

Ngay sau khi Thủ tướng công bố và bấm nút khởi công Dự án, tại khu vực dự án, các đơn vị thi công đã vận hành máy móc, bắt đầu những động tác thi công đầu tiên.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL - 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu bấm nút phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dự án lớn liên tiếp được khởi công

Phát biểu tại lễ khởi công ở điểm cầu chính An Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh rằng, dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Sóc Trăng - Cần Thơ được kỳ vọng là 1 trong 6 tuyến cao tốc thay đổi vùng ĐBSCL, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu quốc tế và cảng biển.

Dự án cao tốc đi qua trung tâm vùng ĐBSCL với năng lực lưu thông lớn, tốc độ cao, đáp ứng nhu cầu vận tải cũng tạo sức lan tỏa, động lực và dư địa phát triển KT-XH khu vực ĐBSCL, phát huy hiệu quả các tuyến trục dọc, từng bước hình thành trục kết nối giao thông trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây.

Việc thực hiện đầu tư tuyến cao tốc là bước cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển hạ tầng và phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL. Tuyến cao tốc cũng góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, trong đó, định hướng xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng kinh tế trọng điểm với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, hiệu quả, bền vững.

"Thực hiện 3 đột phá chiến lược được Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chúng ta đã đưa vào 566 km đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc được đưa vào sử dụng lên 1.729 km", Thủ tướng nói.

Tiếp nối các dự án đã và đang triển khai, ngay trong ngày mai, các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ tiếp tục được đồng loạt được khởi công.

Kế đó, sẽ khởi công đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô trong tuần tới và chuẩn bị khởi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu qua hai tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL - 2

Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ khởi công. (Ảnh: TTXVN)

Thông tin thêm, Thủ tướng cho hay, nhiệm kỳ này, 500.000 tỷ đồng sẽ được huy động đầu tư cho hạ tầng để quyết tâm thực hiện bằng được đột phá chiến lược, mang lại sản phẩm thực chất phục vụ phát triển KT-XH cả nước, đặc biệt ưu tiên vùng ĐBSCL. Thực hiện mục tiêu đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã tập trung cho các dự án giao thông trọng điểm.

Riêng tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, chỉ trong 1 năm kể từ ngày Quốc hội ban hành Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư, các bước thủ tục chuẩn bị đã được hoàn thành để khởi công. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các Bộ, ngành, địa phương, là kết quả của sự chuẩn bị sẵn tư tưởng từ trước.

"Tuy nhiên, kết quả ngày hôm nay mới là bước đầu. Để dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng, các địa phương được phân cấp, phân quyền cần thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm, quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu các chủ thể tham gia xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, phù hợp", Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời chỉ rõ phải huy động nhân lực, máy móc hiện đại thi công “3 ca, 4 kíp”, vượt nắng thắng mưa, tuân thủ tuyệt đối yêu cầu về kỹ thuật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL - 3

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các đại biểu thực hiện bấm nút phát lệnh khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 tại điểm cầu Sóc Trăng. (Ảnh: VGP/Trần Mạnh)

4 địa phương quyết tâm hoàn thành thắng lợi dự án

Để dự án có thể hoàn thành vào năm 2025, đưa vào sử dụng năm 2026, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật cũng cần được đẩy nhanh, chậm nhất trước ngày 31/12/2023 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng cho chủ đầu tư, nhà thầu.

Muốn làm được vậy, riêng công tác tái định cư phải hỗ trợ để người dân có nơi ở mới, tạo sinh kế cho người dân có công ăn việc làm, có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

"Các Bộ, ngành phải tập trung tháo gỡ khó khăn về vật liệu xây dựng thông thường vùng ĐBSCL. Các tỉnh có điều kiện về vật liệu phải hỗ trợ các tỉnh chưa có. Tài nguyên là của chung, của đất nước, quản lý nhà nước phải có trách nhiệm điều phối phù hợp, không phải là của anh, của tôi, phải xin cho mà là phải hợp tác dưới sự điều hành của Chính phủ", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại buổi lễ (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ở điểm Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc này rất cấp thiết. Dự án đóng vai trò liên kết vùng, mở rộng không gian, tạo thế và động lực mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trường khẳng định Cần Thơ luôn nhận thức việc tổ chức triển khai thực hiện dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Tại đầu cầu Sóc Trăng, ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng khẳng định, đây là công trình trọng điểm quốc gia, là sự kiện lớn không chỉ của riêng của tỉnh, của ngành GTVT mà còn là sự kiện lớn của các địa phương có dự án đi qua. Dự án sẽ tạo động lực và không gian phát triển vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xóa đói giảm nghèo.

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL - 5
Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc gần 45.000 tỷ đồng ở ĐBSCL - 6

Một số hình ảnh tại lễ khởi công dự án. (Ảnh: Báo Giao thông)

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, mang tính chất liên vùng, có tác động lớn đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực ĐBSCL nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

Đây là lần đầu tiên, tỉnh An Giang được giao thực hiện dự án có quy mô đầu tư lớn, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao và thời gian triển khai cấp bách.

Triển khai dự án, tỉnh An Giang đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban, để chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.

Trên tinh thần quyết tâm, khẩn trương thực hiện trong thời gian ngắn, tỉnh An Giang đã thực hiện tốt và đúng quy định các công việc như: bồi thường, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ tái định cư; lập, thẩm định và trình phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định và trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án; chuẩn bị nguồn và kế hoạch cung cấp vật liệu cho dự án; lập, trình thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu...

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được chia làm 4 dự án thành phần do 4 địa phương có dự án đi qua làm cơ quan chủ quản.

Trong đó, dự án thành phần 1 chiều dài hơn 57 km thuộc địa phận tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 13.799 tỷ đồng.

Dự án thành phần 2 dài hơn 37 km thuộc địa phận TP Cần Thơ do UBND TP. Cần Thơ là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 9.845 tỷ đồng.

Dự án thành phần 3 chiều dài gần 37 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang do UBND tỉnh Hậu Giang là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 9.927 tỷ đồng.

Dự án thành phần 4 có chiều dài gần 57 km thuộc địa phận tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng do UBND tỉnh Sóc Trăng là cơ quan chủ quản. Sơ bộ tổng mức đầu tư 11.120 tỷ đồng.

Công Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn