Tại phiên làm việc của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV chiều nay 8/11, nhiều vấn đề kinh tế được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến, trong phần trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.
Trả lời về thông tin GDP của người Việt Nam tăng lên 3.000 USD/năm gây tranh cãi mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tính toán lại GDP là điều cần thiết. Ông cho biết, việc đánh giá lại GDP giúp quan sát những khu vực kinh tế bị bỏ sót trước đây. Thủ tướng viện dẫn trường hợp 76.000 doanh nghiệp quốc phòng, an ninh chưa được tính vào GDP. Ngoài ra, còn một lượng lớn hộ kinh doanh cá thể và nhiều lĩnh vực khác cũng bị bỏ sót.
Thủ tướng so sánh: "Trong khi tại các nước, việc mua một con ốc vít, que tăm cũng có hóa đơn thì chúng ta, thậm chí mua xe máy, TV cũng không có hóa đơn, chứng từ, nên tính toán bỏ sót và thất thu thuế là rất lớn. Nhiều khu vực kinh tế ngầm chưa được tính toán”.
Vấn đề kinh tế ban đêm cũng được đề cập. Ông khẳng định, việc phát triển kinh tế ban đêm chứng tỏ sự năng động của một nền kinh tế. "Trong bối cảnh quốc tế thúc đẩy tiêu dùng, lượng du khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 18 triệu lượt thì vấn đề này lại càng quan trọng", Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra những phân tích về du lịch. Ông cho rằng, khách du lịch đến Việt Nam phần lớn là trái múi giờ. Vì thế, cần phát triển kinh tế ban đêm để phục vụ, giúp khách du lịch hiểu về văn hoá ẩm thực Việt Nam hơn.
"Kinh tế ban đêm cũng tạo thêm nhiều việc làm và giải quyết vấn đề lao động. Tôi mong các trung tâm kinh tế ở những thành phố lớn chú trọng phát triển kinh tế ban đêm”, Thủ tướng nói.
Ông đánh giá TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng là những địa phương đang bắt đầu xây dựng và phát triển tốt kinh tế ban đêm. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thừa nhận mặt trái của kinh tế ban đêm, vì thế cần chú trọng công tác quản lý để tránh tiêu cực xảy ra.
Về vấn đề kinh tế tư nhân, trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Đoàn Tây Ninh), Thủ tướng tái khẳng định đây là một trong những động lực quan trọng để phát triển đất nước. Ông cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 800.000 doanh nghiệp kinh tế tư nhân. Điều này cho thấy các bộ ngành, địa phương, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế tư nhân.
Lực lượng này đóng góp 40% GDP của cả nước và có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân phát triển vượt bậc, có đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.
“Họ đã làm tốt, đóng góp thiết thực cho đất nước, đặc biệt những doanh nghiệp công nghệ. Nên thưởng huân chương bậc cao cho những doanh nghiệp ấy. Chúng ta không phân biệt kinh tế tư nhân, Nhà nước mà bình đẳng các nền kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đề cập đến tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ trong thời gian qua, Thủ tướng cho biết, cần quán triệt và không để tiếp diễn tình trạng bê trễ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
“Không được để tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công làm phát sinh thêm chi phí, giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực và hạn chế tiềm năng phát triển đất nước. Không được để thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong đầu tư công; phải đảm bảo hiệu quả cao nhất, chất lượng tốt nhất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Bình luận