Theo Bộ Ngoại giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm chính thức Mỹ từ 29-31/5 tới. Trước thềm chuyến thăm đặc biệt này, VTC News phỏng vấn PGS. TS. Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.
Chuyên gia này nhận định: "Chắc chắn, Việt Nam và Mỹ sẽ xây dựng mối quan hệ kinh tế xứng tầm với quan hệ chính trị và ngoại giao đã phát triển trong thời gian gần đây".
- Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ từ 29-31/5 tới được giới quan sát đánh giá là diễn ra sớm sau khi ông Donald Trump làm tổng thống, theo ông, điều này thể hiện gì về mối quan hệ Việt - Mỹ hiện nay?
Có thể nói, chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là rất sớm và mới trong lịch sử quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.
Hiện nay, tần suất các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước đang gia tăng, từ chuyến thăm của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2013, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2016, cựu Tổng thống Obama năm 2016 và sắp tới là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Điều này cho thấy, Việt Nam đang trở thành đối tác được Mỹ đánh giá là quan trọng trong khu vực. Chuyến đi này của Thủ tướng cũng góp phần định hình chính sách đối ngoại của Mỹ với khu vực Đông Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Từ khi ông Donald Trump giữ chức Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một trong những lãnh đạo châu Á được Washington quan tâm như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Rõ ràng, Việt Nam đã nhận được sự tin cậy và đánh giá cao từ phía Mỹ về vai trò trong khu vực nói chung và trong chính sách của Mỹ ở châu Á và Đông Nam Á nói riêng.
- Sau khi làm tổng thống, nhiều người cho rằng ông Trump sẽ thay đổi chính sách xoay trục châu Á - Thái Bình Dương của chính quyền Obama bằng châu Âu hay Trung Đông. Vậy có phải chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lời mời thăm Mỹ của ông Trump với lãnh đạo Singapore, Philippines hay Thái Lan cho thấy Đông Nam Á vẫn là mối quan tâm lớn của Mỹ, thưa ông?
Dù trong quá trình tranh cử và thời gian đầu lên nắm quyền, ông Donald Trump có nói nhiều về Trung Đông, chủ nghĩa khủng bố hay những vấn đề liên quan châu Âu nhưng đây chỉ là những vấn đề mang tính chất ngắn hạn.
Tuy nhiên, các vấn đề mang tính chiến lược như châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là khu vực Đông Á sẽ là tâm điểm của thế giới trong tầm trung và dài hạn.
Do đó, việc thời gian gần đây Mỹ có nhiều hoạt động ngoại giao với khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho thấy đánh giá chiến lược của Mỹ với khu vực này có tầm quan trọng đặc biệt.
Và chuyến thăm của Thủ tướng tới Mỹ sắp tới có thể nói cũng nằm trong quá trình định hình một chiến lược mới của Mỹ dưới thời ông Donald Trump tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
- Ngày 24/5, Tàu khu trục USS Dewey của Hải quân Mỹ tuần tra trong phạm vi 12 hải lý quanh Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng và cải tạo trái phép, đây có phải là dấu hiệu quan tâm trở lại của Mỹ với khu vực Biển Đông, thưa ông?
Vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông hay nói rộng ra là Tây Thái Bình Dương vẫn nằm trong các chương trình nghị sự ngoại giao của Mỹ. Tuy nhiên, Washington sẽ lựa chọn xử lý từng vấn đề theo thời điểm thích hợp.
Trong thời gian qua, có một số nghi hoặc về sự hiện diện của Mỹ ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Về cơ bản, vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy Mỹ chấm dứt sự hiện diện của mình tại đây.
Có thể, thời gian qua, Washington muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên hay khởi động lại quan hệ với Trung Quốc theo một tinh thần mới nên các vấn đề này nhận được ưu tiên ngoại giao.
Tuy nhiên, Biển Đông vẫn là điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và việc cho tàu tuần tra trở lại nằm trong bài toán tổng thể của Washington ở khu vực này.
Ngoài ra, điều này cũng đảm bảo sự cân đối, liên thông giữa các vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc và Biển Đông của Mỹ trong giai đoạn hiện nay.
- Quay trở lại chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng sắp tới, theo ông, những vấn đề gì sẽ được thảo luận giữa lãnh đạo hai nước?
Định hướng của Việt Nam trong đối ngoại nói chung và Mỹ nói riêng có hai vấn đề.
Thứ nhất là tạo điều kiện hội nhập kinh tế của Việt Nam với các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, đối tác rất quan trọng trong chiến lược hội nhập của Việt Nam.
Hai nước cần hợp tác sâu hơn, hiệu quả hơn về mặt kinh tế với những cơ chế mới. Chắc chắn, Việt Nam và Mỹ sẽ xây dựng mối quan hệ kinh tế xứng tầm với quan hệ chính trị và ngoại giao đã phát triển trong thời gian gần đây.
Trong chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hai nước có thể hướng đến một hiệp định FTA hoặc hiệp định thương mại mới nào đó và điều này đều nằm trong ưu tiên của cả Việt Nam và Mỹ.
Thứ hai, vấn đề về hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực vẫn là chủ đề được sự quan tâm lớn của cả hai bên. Đây chắc chắn sẽ là chủ đề được thảo luận trong chuyến thăm sắp tới của Thủ tướng.
Có thể, hai bên sẽ cùng nhìn nhận các vấn đề của khu vực trong giai đoạn hiện nay và đưa ra những nguyên tắc giải quyết mới.
Điều này nhằm đảm bảo ổn định, sự hợp tác phát triển chung và vai trò của Mỹ trong khu vực. Ngoài ra, các biện pháp này cũng phù hợp với lợi ích chung của Việt Nam, của Mỹ và các nước trong khu vực.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận