Tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành tài chính diễn ra sáng nay (8/1), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của ngành tài chính năm qua, khi thu ngân sách nhà nước vượt mục tiêu, đảm bảo cân đối thu chi…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ lưu ý ngành tài chính về chính sách, đặc biệt chính sách thuế thay đổi quá nhanh và nhiều, dẫn tới hệ lụy cho người nộp thuế; dẫn tới có doanh nghiệp bị oan sai do thay đổi chính sách quá nhanh.
Đây là lỗi chính sách của nhà nước. Từ đó, theo Thủ tướng, chứng tỏ chính sách thay đổi chưa theo kịp phát triển kinh tế, thiếu lắng nghe, thiếu trách nhiệm trong xây dựng chính sách thuế. Vì vậy, chính sách thuế phải đảm bảo dài hạn, tương đối ổn định trong khoảng 10 năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn ví dụ về đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) mới đây của Bộ Tài chính, khi được xây dựng theo quan điểm có lợi cho cơ quan quản lý nhà nước, chưa có lợi cho người nộp thuế.
Trong khi ở nhiều quốc gia có cả cơ quan bảo vệ người nộp thuế, ở ta hiện bảo vệ người nộp thuế còn nhiều vấn đề. Như cơ quan thuế được thanh kiểm tra, cưỡng chế, thậm chí chuyển hồ sơ khởi tố hình sự, nhưng quyền người nộp thuế rất ít.
“Chính sách thuế thường đi theo hướng có lợi cho cơ quan quản lý, còn người nộp thuế ít, lại bị xử ép. Nên chính sách thuế chưa có lợi cho người nộp thuế. Điều này ngành tài chính và tư pháp phải nghiên cứu để thẩm định các luật về thuế đang nghiên cứu sửa đổi”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, Luật Hình sự đã có quy định suy đoán vô tôi, nhưng chính sách thuế chưa có, nên đây là đòi hỏi bức thiết của đất nước để phát triển. Do đó, khi sửa đổi pháp luật về thuế, Bộ Tài chính cần có điều khoản quy định bảo vệ quyền lợi người nộp thuế, đảm bảo công bằng với cơ quan nhà nước.
“Định hướng chính sách về thu ngân sách vẫn theo tư duy tăng thuế suất hơn là mở rộng cơ sở thuế. Trong khi cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển đã xuất hiện nhiều hình thức kinh tế mới, như thương mại điện tử, uber, grab, bán hàng qua mạng…
Đây là mỏ vàng để mở rộng cơ sở thuế. Nhưng chúng ta chậm nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, chậm có chính sách để thu thuế. Quan điểm quan trọng là mở rộng cơ sở thuế, việc điều chỉnh tăng mức thuế phải phù hợp với phát triển đất nước”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo người đứng đầu Chính phủ, dù Việt Nam hội nhập quốc tế mạnh nhưng chính sách thuế còn chậm, chưa theo kịp các tiêu chuẩn quốc tế.
Điều đó dẫn tới Việt Nam thua thiệt, như chuyển nhượng vốn, cổ phần, quyền khai thác dầu khi… thường không thu được thuế, thậm chí vướng các vụ kiện quốc tế.
Thủ tướng giao ngành tài chính rà soát lại các chính sách thuế hiện nay đảm bảo theo chuẩn mức quốc tế, tương thích luật pháp quốc tế.
Nhóm lợi ích “làm phép” với tài sản công
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc quản lý tài sản công còn thất thoát, lãng phí lớn, thậm chí để nhóm lợi ích “làm phép” hưởng lợi khổng lồ, như các vụ mua bán đất công cho Vũ “nhôm” (Phan Văn Anh Vũ - PV).
Vì vậy, Bộ Tài chính cần có giải pháp quản lý tài sản công quốc gia hiệu quả, chặt chẽ, ngăn chặn lợi ích nhom thâu tóm tài sản công quốc gia.
Cùng đó, cơ chế quản lý hóa đơn mua bán còn bất cập, nên nhiều vụ án mua bán hóa đơn liên tục bị khởi tố, gây thiệt hại lớn tới ngân sách nhà nước.
Điều đó cho thấy việc quản lý hóa đơn còn kém hiệu quả. Mục tiêu hướng tới phải áp dụng hóa đơn điện tử, hạn chế dùng tiền mặt, để dảm bảo lãnh mạnh môi trường cạnh tranh quốc gia.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, hoạt động thanh kiểm tra thuê, hải quan còn tràn lan, gây khó cho doanh nghiệp; tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong ngành tài chính vẫn đáng bàn.
Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính có giải pháp mạnh mẽ dẹp bỏ ngay tình trạng này. Đi liền đó là sắp xếp lại bộ máy, áp dụng công nghệ, tinh giảm bộ máy.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng ghi nhận các chỉ đạo của Thủ tướng và cam kết sẽ nỗ lực thực hiện.
Video: Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy 1 tháng
Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, năm 2017, thu ngân sách ước đạt hơn 1,28 triệu tỷ đồng, vượt dự toán 71.000 tỷ đồng (tức vượt 5,9% so với dự toán).
Đạt mức động viên bằng 25,6% so GDP, trong đó thuế phí đạt 21% GDP. Tuy nhiên, số vượt thu ngân sách chủ yếu từ tiền sử dụng đất, và với ngân sách địa phương, còn ngân sách trung ương cơ bản đặt mục tiêu…
Cùng đó, các mục tiêu về chi ngân sách, tỷ lệ bội chi, chi trả nợ đều đạt các mục tiêu đề ra.
Tuy vậy, theo ông Hà, công tác quản lý thu ngân sách ở một số địa bàn, lĩnh vực chưa quyết liệt; nợ đọng thuế có khả năng thu lớn; giải ngân vốn đầu tư phát triển chậm; chi sai quy định, vượt tiêu chuẩn, định mức còn xảy ra ở một số đơn vị; cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và thoái vốn đầu tư còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Năm 2018, ngành tài chính đặt mục tiêu thu ngân sách vượt 3% so với dự toán Quốc hội giao, giảm nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để kéo giảm bội chi ngân sách. Cùng đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy...
Bình luận