Sáng 6/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngành công thương.
Ghi nhận đóng góp quan trọng của ngành công thương đối với kết quả chung của đất nước trong năm 2016, Thủ tướng đánh giá cao công tác cải cách hành chính, cơ cấu lại bộ máy, hoạt động của Bộ Công Thương đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại như ngành khai khoáng giảm sút mạnh (gần 6%), trong đó dầu thô giảm gần 10%. Nhiều dự án thuộc ngành công thương bị thua lỗ kéo dài.
Một số chiến lược, quy hoạch chưa phát huy được hiệu quả, chưa tạo được động lực và hỗ trợ cần thiết để khu vực tư nhân tham gia trong phát triển công nghiệp quốc gia như chiến lược phát triển ngành cơ khí, ô tô, thép… Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, nhất là cổ phần hóa, được chú trọng một bước nhưng nói chung còn chậm, chưa hiệu quả.
Về tầm nhìn thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Đó là phát triển nền công nghiệp Việt Nam phải giảm sự phụ thuộc vào lợi thế không bền vững là dựa vào tài nguyên tự nhiên như dầu mỏ, than đá, quặng… Thay vào đó, phải chuyển dịch từ nền công nghiệp dựa vào khai thác tài nguyên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
“Lâu dài, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng quan trọng của công nghiệp Việt Nam. Trước mắt, chúng ta vẫn dựa vào cả 2 là công nghiệp giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao và tài nguyên, lao động”, Thủ tướng nói.
Một tầm nhìn nữa, theo Thủ tướng, là muốn tạo ra sự thay đổi với sức cạnh tranh mạnh mẽ thì phải bắt đầu bằng việc tạo ra một môi trường để người dân và doanh nghiệp có thể làm ăn tử tế, sòng phẳng, không bị chèn ép.
Cho rằng năm 2016, ngành công thương đạt nhiều kết quả tốt những vẫn còn nhiều vấn đề, Thủ tướng nhìn nhận: Ngành công thương đã bị vấp nhưng chưa ngã. Ngược lại, ngành có sự vươn lên mạnh mẽ, không chỉ có Bộ Công Thương mà cả hệ thống công thương toàn quốc, trong đó có vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tư nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và các địa phương.
Về một số nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết những tồn đọng tại 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả. Thủ tướng khẳng định, ngân sách không có khả năng và cũng không “ném tiền” vào các dự án thua lỗ này.
Bên cạnh đó phải phát huy vai trò của các hiệp hội ngành nghề, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.
“Tại sao chúng ta không nghiên cứu, phát động một chiến dịch công nghiệp Việt Nam phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao là một thế mạnh của Việt Nam? Tại sao chúng ta không phục vụ cái này, nhất là một số ngành cơ khí và một số ngành chức năng?”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Đừng để nông dân phải khổ vì chuyện đi nhập một số cái Việt Nam có thể làm được”.
Thủ tướng yêu cầu tái cơ cấu ngành công thương mạnh mẽ hơn để có một số sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Thủ tướng cũng lưu ý ngành công thương trong sản xuất cần quan tâm bảo vệ môi trường; kết hợp mạnh mẽ nghiên cứu giữa các viện, trường, tăng hàm lượng trí tuệ, khoa học công nghệ trong các sản phẩm.
Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức lần thứ 2
Bình luận