(VTC News) – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, nhìn vào ngân sách nhà nước năm 2014 thấy ‘rất đáng lo’ khi chi thường xuyên chiếm chủ yếu, chi cho đầu tư ngày càng giảm.
Phát biểu tại "Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2015", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, năm 2014 tình hình chính trị xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường, lòng tin vào Đảng và sự quản lý của nhà nước được tăng lên.Đặc biệt, trước sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, Thủ tướng đánh giá đây là khó khăn lớn đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2014.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 'Nhìn vào chi ngân sách hiện nay thấy đáng lo' |
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, “trong bối cảnh đó, chúng ta đã giữ được chủ quyền Quốc gia, giữ được hòa bình, ổn định đây là điều thiêng liêng lắm”.
“Hơn 4 triệu đồng bào ta ở hơn 100 nước trên thế giới đều có phản đối, hướng về tổ quốc. Trong nước thì đồng thuận rất cao. Đó là cái được, nổi bật lên của năm 2014”, Thủ tướng đánh giá.
Video: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về mối quan hệ với Trung Quốc
Về kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, chúng ta đã hoàn thành, đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Đảng và Quốc hội đã đặt ra cho năm 2014.
“Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế rõ ràng hơn. Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, hiệu quả, năng suất cũng có bước tăng lên, tuy chưa đạt mức yêu cầu. Môi trường kinh doanh có bước được cải thiện. Ngân hàng thế giới công bố môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 20 bậc. Đó là sự nỗ lực rất lớn của toàn xã hội, cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng nhận định.
|
Trước hết, đánh giá cao những nỗ lực của ngành Tài chính, các địa phương trong thực hiện vượt dự toán thu ngân sách, song Thủ tướng cho rằng, khi nhìn vào cơ cấu ngân sách hiện nay thấy rất đáng lo, khi chi thường xuyên, lương ngày càng lớn, phần chi dành cho đầu tư phát triển ngày càng giảm. Nguồn thu ngân sách nội địa tăng chậm, trong khi bội chi có giảm, nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra.
“Một ngân sách quốc gia mà chi thường xuyên, chi lương chiếm chủ yếu, một phần trả nợ, chi cho đầu tư phát triển thì ngày càng giảm, trong khi nhu cầu đầu tư ngày càng cao là rất đáng lo, cái này là chiều hướng không hay”, Thủ tướng chỉ rõ.
Đối với vấn đề bội chi năm 2014, Thủ tướng nhận định, bội chi có giảm nhưng chưa đạt được kế hoạch đề ra.
Hai là chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế, tuy được cải thiện thêm một bước, môi trường kinh doanh cải thiện một bước, nhưng so với ngay các nước ASEAN 6 thì môi trường vẫn thấp hơn, sức cạnh tranh thấp hơn.
“Trong điều kiện hội nhập quốc tế ai vươn lên được, ai giành thắng lợi được chính là nhờ năng lực cạnh tranh. Chúng ta không có cách nào khác là phải nâng lên cái này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá về những đột phá chiến lược, Thủ tướng cho rằng, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng đạt được mục tiêu kết quả bước đầu, nhất là đột phá về xây dựng thể chế, xây dựng hạ tầng, nhưng so với yêu cầu đề ra chưa đạt. Tuy nhiên, một số vấn đề xã hội còn nhiều bức xúc.
Nêu thí dụ về công tác giảm nghèo tại các địa phương trên cả nước, Thủ tướng yêu cầu: “Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị chúng ta. Chúng ta phải tìm mọi cách giải quyết nhanh vấn đề bức xúc này. Đây không phải chỉ là vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội mà còn là vấn đề chính trị”.
Video Thủ tướng thị sát tàu kiểm ngư
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận định, vấn đề quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. “Chúng ta phải quyết liệt, đề cao cảnh giác, không chủ quan trước sự chống phá của các thế lực thù địch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đánh giá về hiệu lực, hiệu quả điều hành của các cơ quan từ Trung ương tới địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: “Kiểm điểm về lãnh đạo quản lý của chúng ta thì nhân dân chưa hài lòng với hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của chính quyền các cấp, có cái thì chậm thể chế hóa, có cái thì thể chế hóa rồi, đã ra văn bản pháp quy nhưng chưa sát với cuộc sống, hiệu lực, hiệu quả không cao.
Một bộ phận cán bộ công chức, phẩm chất đạo đức, năng lực kém, gây nhũng nhiễu, gây phiền hà; tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chưa được đẩy lùi. Một bộ phận nơi này nơi khác vẫn còn biểu hiện kỷ luật, kỷ cương không nghiêm”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các địa phương tiếp tục nâng cao năng lực điều hành, quản lý, với 4 nhóm nhiệm vụ lớn năm 2015.
Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách năm 2015 |
Thứ nhất, cả nước, cả hệ thống chính trị phải chung sức đồng lòng, quyết liệt hành động để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội Trung ương Đảng đã đề ra cho năm 2015; cố gắng đạt cao nhất kế hoạch 5 năm mà Nghị quyết Đại hội 11 đã đề ra.
Thứ hai, phải bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
“Chúng ta phải ngày đêm chăm lo việc này, giữ chủ quyền, giữ ổn định môi trường, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội. Hai nhiệm vụ này gắn chặt với nhau mà rất thiết thực cụ thể ở nước ta”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thứ ba là tăng cường công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế để tạo ra sự đồng thuận, sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, để tạo ra môi trường, điều kiện thuận lợi xây dựng đất nước và bảo vệ đất nước.
Thứ tư, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, thực hiện thắng lợi, bảo đảm chủ quyền, tăng cường đối ngoại để nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.
“Năm nay, chúng ta phải tiến hành đại hội Đảng các cấp tốt, để nâng cao sức chiến đấu của Đảng. Đại hội có hai việc: Một là xác định nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới.
Muốn xác định thì phải đánh giá thành tựu, kết quả đạt được và chưa được, rồi đề ra nhiệm vụ cho 5 năm tới; Hai là bầu vào cấp ủy, đặc biệt là các đồng chí chủ chốt đứng đầu các địa phương, các Đảng bộ, chính quyền để thực hiện mục tiêu đề ra”, Thủ tướng chỉ rõ.
Hoàng Lan
Bình luận