• Zalo

Thủ tướng: Nghiên cứu xây dựng thêm một sân bay quốc tế tại đồng bằng sông Hồng

Chính trịThứ Năm, 07/12/2023 19:28:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nêu thực trạng đồng bằng sông Hồng đã có 3 sân bay, Thủ tướng cho rằng có thể nghiên cứu để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực này.

Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng - đề cập khi kết luận Hội nghị lần thứ hai với chủ đề về quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra chiều 7/12.

Thủ tướng nhấn mạnh, liên kết vùng là một trong những đột phá, động lực tăng trưởng mới, cùng với liên kết các vùng, liên kết với cả nước và liên kết quốc tế.

Do đó, cần phát huy tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, không địa phương nào làm thay địa phương nào, nhưng không thể không liên kết, đặc biệt là liên kết giao thông.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Liên quan đến hàng không, nêu rõ khu vực phía bắc đồng bằng đã có 3 sân bay (bao gồm Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi), Thủ tướng nhìn nhận, có thể nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét, quy hoạch, xây dựng một sân bay quốc tế mới tại khu vực phía nam đồng bằng sông Hồng.

Về vấn đề nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải lấy nguồn lực bên trong (con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử - văn hóa, cơ chế, chính sách phù hợp) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định. Còn nguồn lực bên ngoài (FDI, vốn vay, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực, tham khảo kinh nghiệm, thể chế của quốc tế) là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ hơn những động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi năng lượng mới, phát triển ngành công nghiệp tái tạo (nắng, gió, Hydrogen); phát triển hệ sinh thái để phát triển kinh tế nông nghiệp trên cơ sở phát huy văn minh lúa nước.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc phát triển công nghiệp có trọng tâm, trọng điểm trên cơ sở khai thác hiệu quả quỹ đất, các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình có thể nghiên cứu triển khai lấn biển để tạo không gian phát triển, quỹ đất mới.

Theo Thủ tướng, cùng với vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng có vị trí, vai trò đặc biệt, đóng góp trên 50% GDP của cả nước, do đó quy hoạch phải phát huy, khai thác tối đa tiềm năng rất khác biệt, cơ hội rất nổi trội, lợi thế cạnh tranh rất rõ của vùng.

"Quy hoạch phải đi trước một bước với tư duy phải đột phá, tầm nhìn phải chiến lược và có tính ổn định, lâu dài; tích hợp, kết nối quy hoạch của các địa phương với quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia", Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương Ninh Bình đã triển khai tuyến đường kết nối cực phía tây đến cực phía đông của tỉnh, từ vùng rừng núi huyện Nho Quan đến huyện ven biển Kim Sơn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng biểu dương Hà Nội vì trong thời gian qua, nhiều địa điểm, di sản văn hóa trên địa bàn đã được khai thác hiệu quả, thu hút nhiều du khách. Cụ thể như ga Gia Lâm, bốt Hàng Đậu, nhà tù Hòa Lò... qua đó phát huy nguồn lực văn hóa, biến di sản thành tài sản, thành nguồn lực.

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Các đại biểu tham dự hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Quảng Ninh và Hải Phòng cần liên kết quản lý, khai thác tốt nhất khi gần đây vịnh Hạ Long đã được UNESCO nhất trí cho mở rộng ranh giới bao gồm cả quần đảo Cát Bà (Hải Phòng), trở thành Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.

Tương tự, Thủ tướng giao Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục tích cực triển khai các công việc để trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới và phối hợp khai thác tốt di sản này.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 12/2023.

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn