• Zalo

Thủ tướng: Nếu không cụ thể trong luật, làm sao người dân dám bỏ tài sản đầu tư?

Kinh tếThứ Hai, 11/11/2019 14:32:00 +07:00Google News

"Nguồn lực trong nhân dân rất lớn nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ quyền tài sản thì người dân không dám bỏ vốn ra đầu tư", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sáng nay 11/11, dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được trình Quốc hội.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh tính cấp bách của việc cho ra đời và đi vào thực thi đối với Luật đầu tư PPP.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, vài trò của luật là bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư để xã hội hóa đầu tư và để kêu gọi tư nhân đầu tư nhiều hơn vào các dự án quan trọng mang tầm quốc gia.

nguyen-xuan-phuc-TT

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo Thủ tướng, thực tế hiện nay cho thấy tính cấp bách của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. “Chúng ta cần vào cuộc quyết liệt để hoàn thành dự án luật này, để đất nước chúng ta nhanh chóng kêu gọi được sự tham gia đầu tư của nhiều nguồn lực”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, việc thông qua dự án Luật đầu tư theo hình thúc PPP còn là quá trình tư duy của chúng ta trong việc thu hút đầu tư.

“Tôi đi xuống địa phương, thấy những bức xúc của người dân về đầu tư công trình, dự án, công việc, từ việc lớn đến việc nhỏ đều thiếu thốn. Ở các nước khác, người ta đầu tư xong rồi, còn lại là người dân hưởng lợi thôi. Còn chúng ta vừa sản xuất kinh doanh vừa đầu tư hạ tầng vừa phát triển”, ông Phúc nói.

Nêu tầm quan trọng về vai trò của người dân, Thủ tướng cho biết, tiềm lực kinh tế trong nhân dân còn rất lớn.

“Ở các thị xã, thị trấn, nguồn lực kinh tế của người dân vẫn lớn nhưng mình chưa kêu gọi được vì chưa có pháp luật bảo vệ. Mà hiện nay chúng ta vẫn đang nói đến một câu chuyện đó là Hiến pháp quy định bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền công dân rất lớn. Nhưng vấn đề này luật cần phải được cụ thể ra. Nếu không cụ thể thì người dân làm sao dám bỏ tải sản ra đầu tư được”, Thủ tướng cho biết.

Theo ông, Chính phủ và Trung ương đều đang tập trung thúc đẩy thông tư này ra đời. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, doanh nghiệp tư nhân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, tâm lý của nhiều người hiện nay là “sợ mất của, sợ mất mát”.

Tuy nhiên “tâm lý” này của người dân theo ông là điều bình thường. “Người dân họ có làm chính trị đâu. Họ làm kinh tế. Vậy thì phải có lợi họ mới làm. Hợp tác công tư là hai bên cùng có lợi, cùng phát triển theo hướng lợi ích cùng nhau. Chúng ta phải làm luật, làm chính sách để đảm bảo được điều đó. Có như thế chúng ta mới kêu gọi đầu tư tham gia từ các doanh nghiệp tư nhân được. Muốn như thế thì Nhà nước phải nhanh về thủ tục, thuận lợi trong quản lý, minh bạch khách quan. Hướng như vậy thì mới đảm bảo được quyền công dân, quyền tài sản của công dân”, Thủ tướng khẳng định.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, trong thời gian tới, ở các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư PPP, chính quyền địa phương sẽ nắm vai trò chủ đạo. Nhà nước sẽ nắm kế hoạch tổng quát, còn phân cấp, giao quyền sẽ do do chủ tịch UBND và Thường trực HĐND địa phương đảm nhiệm.

Cũng trong sáng nay, trình bày tờ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch  và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP, đồng thời bổ sung một số chính sách mới. 

Về quy mô đầu tư dự án PPP, Chính phủ cho rằng muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn. Vì vậy dự thảo luật quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm thu hút các nhà đầu tư có năng lực tài chính thực sự, định hướng đầu tư các dự án PPP có quy mô vốn đủ lớn đối với các lĩnh vực hạ tầng trọng tâm được quy định tại luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ, dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực. 

Từ luận điểm này, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo 2 phương án. 

Phương án 1: quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô chi tiết cho từng lĩnh vực (nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng, trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý - PV). 

Phương án 2: không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại dự thảo Luật và giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn