• Zalo

Thủ tướng nêu bài học hợp tác công - tư qua hình ảnh xấu xí của sân Mỹ Đình

Đầu TưThứ Tư, 04/01/2023 13:59:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu điều này khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ 2023 của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong phần phát biểu của mình, chỉ đạo đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, Thủ tướng chia sẻ: "Hôm qua, khi tới xem bóng đá ở sân vận động Mỹ Đình, tôi cũng trao đổi về khai thác hợp tác công - tư hiệu quả ở sân vận động này. Khai thác cả sân vận động lớn mà không khai thác được, cứ trông chờ vào tiền Nhà nước, một trận bóng đá mất nhiều tiền thì mình phải khai thác hợp tác công tư, đó là vấn đề nghiên cứu kỹ".

Theo Thủ tướng, dư địa thúc đẩy hợp tác công - tư còn rất lớn để huy động mọi nguồn lực cho phát triển, nhưng hiện nay, thể chế cho hợp tác công - tư còn hạn chế so với sự vận động, phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Vì thế, việc đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công - tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội chính là một trong những nhiệm vụ lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mà Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Thủ tướng nêu bài học hợp tác công - tư qua hình ảnh xấu xí của sân Mỹ Đình - 1

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành kế hoạch và đầu tư. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng cũng yêu cầu thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm tốt nhiệm vụ của mình, phát huy cao nhất vai trò là cơ quan tổng tham mưu của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác điều hành kế hoạch và điều phối kinh tế vĩ mô, theo dõi sát diễn biến tình hình khu vực và thế giới; Nhận diện rõ thời cơ, thách thức; Tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, chủ động xây dựng kịch bản để kịp thời tham mưu chiến lược với Chính phủ, Thủ tướng các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành và triển khai các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Cùng với đó, ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Thủ tướng cũng đề nghị ngành tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để thực hiện quyết liệt và đồng bộ các đột phá chiến lược; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt toàn bộ các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo tinh thần Quy hoạch phải đi trước một bước và mở ra không gian phát triển mới, có tính đồng bộ, liên kết cao. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng KTXH, kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực đang quản lý; Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công khai, minh bạch; Nâng cao chất lượng công tác thống kê, với quan điểm chủ đạo là thông tin thống kê trung thực, khách quan, chính xác, kịp thời và minh bạch; Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đảng viên; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Trước đó, các báo cáo và ý kiến phát biểu tại Hội nghị khẳng định, năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm tốt công tác quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư và thống kê; thường xuyên cập nhật, dự báo tình hình, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; tập trung tham mưu tổng hợp về xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp lớn; soạn thảo nhiều đề án, báo cáo quan trọng giúp Thủ tướng, Chính phủ kịp thời chỉ đạo, điều hành bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới; đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh quốc gia; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tranh thủ thời cơ phục hồi và phát triển nền kinh tế mạnh mẽ sau giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19.

Lê Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn