Sáng 26/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe báo cáo về tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm và sự tác động tới tăng trưởng chung của cả nước.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các ý kiến cho rằng cần có chỉ thị tổng thể của Thủ tướng nhằm thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm.
Thủ tướng cho rằng, các vùng còn gặp khó khăn, thách thức như biến đổi khí hậu. “Hôm qua, một trận mưa lớn ở Hà Nội mà tắc hết đường và với TP.HCM thì ảnh hưởng càng rõ nét hơn", Thủ tướng nói.
Về tình hình phát triển của 4 vùng, Thủ tướng cho rằng có nhiều cố gắng trong chỉ đạo điều hành, đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của đất nước, dẫn đầu là vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó bao gồm TP.HCM
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá, quy hoạch vùng, liên kết vùng, cơ chế điều phối vùng, chính sách phát triển vùng chưa tốt, chưa rõ, là “điểm nghẽn” trong phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm.
“Chúng ta nhận thức được vấn đề này để có định hướng khắc phục tốt hơn trong thời gian tới... Tinh thần “bàn tiến chứ không bàn lùi”, tiếp tục khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ... Các đồng chí thành công thì cả nước mới thành công”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tiếp thu các ý kiến để khẩn trương hoàn thiện báo cáo, xây dựng và hoàn thiện đề án về phát huy vai trò, nâng cao hiệu quả của vùng kinh tế trọng điểm.
Trong đó, Thủ tướng cho rằng cần lưu ý các nhiệm vụ, giải pháp mới mang tính đột phá, tạo động lực phát triển của 4 vùng, hiện chiếm tới 70% GDP cả nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2011-2017, GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm bình quân mỗi năm tăng 7,14%. Tăng trưởng của các vùng Kinh tế trọng điểm chủ yếu là nhờ công nghiệp chế biến, chế tạo. Năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm có xu hướng tăng.
Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam dẫn đầu cả nước về năng suất lao động, cho thấy đây là một trong những yếu tố cốt lõi đóng vai trò quyết định tới mức độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của 2 vùng Kinh tế trọng điểm này.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ trên số liệu giai đoạn 2011-2017 và mô hình tính toán đã lượng hóa được mối quan hệ giữa tăng trưởng của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước (1% GRDP của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam làm GDP của toàn nền kinh tế tăng lần lượt là 0,49% và 1,12%).
Hà Nội và TP.HCM là 2 cực tăng trưởng quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước bình quân/năm trong giai đoạn 2011-2017 tương ứng đạt 13,6% và 19,4%.
Bình luận