• Zalo

Thủ tướng mời doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào thị trường VN

Thế giớiThứ Bảy, 28/09/2013 11:40:00 +07:00Google News

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới doanh nghiệp Mỹ những lời mời đầu tư vào thị trường Việt Nam trong buổi đối thoại tại New York.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi tới doanh nghiệp Mỹ những lời mời đầu tư vào thị trường Việt Nam trong buổi đối thoại tại New York.

Kín lịch trong thời gian tới Mỹ để tham dự phiên thảo luận Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn dành một tiếng buổi trưa 27/9 (giờ địa phương) để trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp Mỹ. Tham gia cuộc đối thoại này đều là lãnh đạo của 50 doanh nghiệp, quỹ đầu tư hàng đầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cùng quan tâm tới Việt Nam, nơi mà họ đã hoặc đang dự định đầu tư, các câu hỏi của giới doanh nghiệp Mỹ dành cho người đứng đầu Chính phủ đều rất thẳng thắn, cụ thể và cho thấy những quan ngại sâu sắc của nhà đầu tư đối với hiện trạng của nền kinh tế. Trích dẫn báo cáo gần đây của WB cho thấy cải cách doanh nghiệp Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tại Việt Nam, đại diện một tập đoàn lớn bày tỏ sự quan ngại khi tốc độ thực hiện quá trình này có phần chậm lại trong thời gian qua.

Lo ngại được đại diện Chính phủ Việt Nam giải tỏa khi cho biết con số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước đã giảm từ 12.000 năm 2001 xuống còn 1.300 đơn vị trong năm nay. Trong số này hiện có khoảng 100 tập đoàn, tổng công ty mà theo Thủ tướng, sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn từ nay đến 2020.

thủ tướng ở mỹ
50 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã tham gia buổi đối thoại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Ảnh Vnexpress 

“Chỗ ông Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) cạnh tôi đây đã xây dựng xong kế hoạch cổ phần hóa, đang kêu gọi nhà đầu tư chiến lược để đầu tư. Mời các bạn tham gia. Rồi dầu khí, viễn thông, ngân hàng… Tất cả đã được lên kế hoạch, với mục tiêu là để các doanh nghiệp này hoạt động theo kinh tế thị trường, minh bạch, cạnh tranh. Việt Nam đã đi được một chặng đường dài, chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu đề ra. Tôi rất mong các bạn tham gia với chúng tôi”, ông kêu gọi.

“Khoe” với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng việc đầu tư khoảng 4 triệu USD vào một doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nhưng đồng Chủ tịch một công ty tài chính Mỹ cũng không giấu được lo âu khi thị trường địa ốc Việt Nam đang dò đáy. Ông này đặt câu hỏi liệu Chính phủ Việt Nam có giải pháp gì để làm ấm thị trường.

Tỏ rõ sự thấu hiểu khi cho biết từng gặp doanh nghiệp tại Hà Nội và hoan nghênh khoản đầu tư nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận khủng hoảng kinh tế đã tác động, khiến thị trường bất động sản tại Việt Nam hết sức khó khăn. Tuy nhiên, đại diện Chính phủ cũng cho biết đã đưa ra nhiều giải pháp giúp phục hồi thị trường này, trong đó có việc quy hoạch lại sản phẩm, cải cách hành chính, mở rộng tín dụng cho người mua nhà, cho phép người nước ngoài được đầu tư, sở hữu bất động sản.

Video: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối thoại với doanh nghiệp Mỹ



“Những giải pháp này không có gì mới. Nhật, Mỹ hay các nước khác cũng đã làm rồi. Tuy nhiên, khi gắn kết với các giải pháp đặc thù của Việt Nam, tôi tin rằng thời gian tới thị trường bất động sản sẽ ấm lên. Khoản đầu tư của ngài cũng sẽ thành công”, Thủ tướng nhận định.

Quan tâm nhiều hơn tới năng lực cạnh tranh  của nền kinh tế, đồng Chủ tịch một quỹ đầu tư tài chính ở Việt Nam đặt câu hỏi liệu Chính phủ có giải pháp gì để kéo các nhà đầu tư trở lại?

Giải đáp thắc mắc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nhắc lại nguyên nhân khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế đã khiến Việt Nam không thể tăng trưởng với mức trung bình 7,22% như 10 năm trước đó. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong 3 năm qua, Chính phủ đã chủ động điều tiết việc tăng trưởng chậm để ưu tiên ổn định vĩ mô. Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng GDP bình quân 2011 – 2013 vẫn đạt khoảng 5,6% một năm.

thủ tướng ở mỹ
Thủ tướng cam kết mở cửa thị trường tài chính không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực - Ảnh Vnexpress 

Về nợ xấu ngân hàng, Thủ tướng cho biết con số ông vừa nhận được “theo chuẩn quốc tế” từ các cuộc làm việc với WB và IMF là 7%. “Tuy nhiên, quan trọng là Việt Nam đã kiểm soát được nợ xấu không tăng lên. Mục tiêu  đặt ra với nhiều giải pháp thích hợp đến cuối 2015 con số này sẽ dưới 3%. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã cam kết trước Quốc hội, nhân dân. Chúng tôi tin là sẽ làm được”, Thủ tướng nói.

Cùng với giải quyết nợ xấu, người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định chủ trương mở cửa, khuyến khích nhà đầu tư tài chính ngân hàng nước ngoài vào thị trường tiền tệ, thị trường vốn. Thủ tướng cũng thông tin thêm về việc vừa chứng kiến sự hợp tác Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) và hãng Metlife (Mỹ) để phát triển lĩnh vực bảo hiểm, hay viêc cấp phép cho Ngân hàng BNP Paribas (Pháp) vào Việt Nam.

“Hiện nhà đầu tư nước ngoài được nắm  tối đa 30% tại các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đang trình phương án nới room, theo hướng thích hợp với điều kiện của từng nhà băng. Chúng tôi cam kết mở thị trường tài chính không thua kém bất kỳ nước nào trong khu vực. Mời các bạn tham gia thị trường tài chính, tiền tệ của Việt Nam”, Thủ tướng một lần nữa kêu gọi.

Thủ tướng gặp gỡ doanh nghiệp MỹNgay trước phần đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp, trong đó giới thiệu đôi nét về tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Cùng với các chỉ số cơ bản, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện 3 đột phá lớn, tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, đầu tư công để hoạt động phù hợp với thông lệ quốc tế.

"Rất mong các bạn ủng hộ cải cách ở Việt Nam. Điều này cũng tạo ra môi trường để các bạn đầu tư thành công", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhắn nhủ. Ông bày tỏ hy vọng việc nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ lên "đối tác toàn diện" sẽ giúp quan hệ kinh tế hai nước có bước đột phá lên tầm cao mới, để Mỹ trở thành bạn hàng, nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Trước khi kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chia sẻ: "Nhân đây tôi chân thành đề nghị các bạn khuyên Chính phủ Hoa Kỳ không nên phân biệt đối xử với hàng hóa của Việt Nam vì nó liên quan đến hàng triệu dân nghèo. Mong các bạn ủng hộ đòi hỏi rất chính đáng này".

Theo Nhật Minh/Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn