• Zalo

Thủ tướng: Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta đều chấp nhận

Thời sựThứ Năm, 04/10/2018 15:20:00 +07:00Google News

Thủ tướng cho rằng hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy.

Sáng 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.

thutuong

Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP) 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế tồn tại trong lĩnh vực này, như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. 

Bên cạnh đó, liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. 

"Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta", Thủ tướng nêu rõ.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. 

Theo Thủ tướng, hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết lao động, việc làm ở vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao…

Sẽ có chính sách mới về đầu tư nước ngoài

Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.

dautunuocngoai

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà đầu tư. (Ảnh: VGP)

Các bộ, ngành cũng cần hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.

Từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.

Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến hết tháng 9/2018, Việt Nam có 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD vào 19 trong số 21 ngành nghề kinh tế.

Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (57,1%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất với gần 117 tỷ USD.

Khôi Minh
Bình luận
vtcnews.vn