Trong kỳ họp Quốc hội lần này, vấn đề các nhà máy điện chậm đưa vào hoạt động hoặc vỡ quy hoạch điện mặt trời được nhiều đại biểu đề nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Công thương trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam có nguy cơ thiếu điện trầm trọng trong tương lai.
Chiều nay, trả lời vấn đề này, Thủ tướng nhắc lại tuyên bố "cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện, sẽ mất chức chứ không phải bình thường".
Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm phó ban hường trực, phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ mà Thủ tướng đã quy định, giao nhiệm vụ.
Thủ tướng "đã đôn đốc, nhắc nhở rất nhiều", yêu cầu "không phải nước đến chân mới nhảy". Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh: "Không được công bố tình trạng thiếu điện. Phải xây dựng một nền năng lượng độc lập, tự chủ và hội nhập. Đó là vấn đề đặt ra của việc phát triển nguồn và lưới điện, kể cả các loại hình nhà máy điện".
Liên quan đến nhà máy điện Bạc Liêu, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đã nhất trí ở cuộc họp ngay sau kỳ họp thứ 7, việc Bạc Liêu xây dựng nhà máy điện khí là không trái quy hoạch. Bởi lẽ, trước kia chúng ta có kế hoạch xây dựng nhà máy điện than 1200 MW, nay chuyển sang điện khí.
Vì thế, cần đưa ngay vào sơ đồ quy hoạch điện 7. Bộ Công thương, Bạc Liêu cần triển khai ngay việc này. Không được để chậm trễ như nhiều vị đại biểu quốc hội phản ánh.
Liên quan vấn đề phát triển điện khí hoá lỏng, Thủ tướng khẳng định sẽ có quy hoạch cụ thể đảm bảo giữa cung và cầu, kể cả nguồn và lưới điện. Vấn đề quy hoạch phát triển điện khí ở Việt Nam đảm bảo cạnh tranh, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc. Sẽ có giá điện rất rẻ cho người tiêu dùng Việt Nam.
"Chúng ta mới có công suất nguồn 39.000 MW. Sắp tới phát triển mạnh các nguồn điện mạnh nhất là ở các tỉnh phía Nam để đảm bảo cung ứng điện đầy đủ, kịp thời cho sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Chúng ta đã giảm được tỷ số giữa GDP và tiêu thụ điện năng. Trước kia 1 GDP là 2 điện năng, giờ 1 GDP chỉ còn 1,6-1,7 điện năng. Chúng ta phải tính mức độ tăng trưởng để phát triển điện, đảm bảo cơ cấu nguồn điện phù hợp trong phát triển để điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế. Mất mát điện bây giờ ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng đến đời sống, kinh doanh của nhân dân", người đứng đầu Chính phủ cho biết.
Bình luận