Nhân dịp thăm chính thức nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sáng 28/6, tại Thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam – Trung Quốc do Hội đồng xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam tổ chức.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung; lãnh đạo các bộ, cơ quan và hơn 350 doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Tại diễn đàn, đại diện các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước phát biểu, giới thiệu tình hình phát triển kinh tế; môi trường đầu tư, kinh doanh; chính sách thu hút đầu tư của mỗi nước; tình hình kinh doanh, đầu tư giữa Việt Nam – Trung Quốc; chia sẻ bài học, kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung cảm ơn cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc đã có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy tình hữu nghị hai nước; nêu rõ Trung Quốc và Việt Nam là đồng chí tốt, chung vận mệnh vì hòa bình tiến bộ của nhân loại.
Chuyến thăm này của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hai nước; khẳng định hợp tác kinh tế, thương mại của hai nước ngày càng sâu sắc, phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm; hợp tác đầu tư được thúc đẩy vững chắc; chuỗi cung ứng giữa hai nước rất chặt chẽ. Việt Nam là điểm đến đầu tư lớn thứ nhất trong ASEAN và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam đầu tư.
Hiện nay, thế giới thay đổi nhanh hơn, Trung Quốc và Việt Nam cần thúc đẩy hợp tác thương mại lên trình độ cao hơn, tầm cao mới; đẩy nhanh kết nối phát triển hai nước. Việc thúc đẩy kết nối phát triển có ý nghĩa quan trọng. Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam phát huy đầy đủ Hiệp định Thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN. Trung Quốc cũng thúc đẩy cân bằng thương mại song phương.
Theo Phó Thủ tướng, Trung Quốc và Việt Nam còn nhiều dư địa để hợp tác, phát triển chuỗi cung ứng. Trung Quốc ủng hộ cung cấp nhiều dịch vụ xúc tiến đầu tư tốt hơn cho doanh nghiệp hai nước; mong muốn Việt Nam tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp Trung Quốc. Phía Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thực hiện chủ nghĩa đa phương, “cùng thắng, cùng có lợi”.
"Phía Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tận dụng các diễn đàn, hội chợ triển lãm nhập khẩu, hội chợ giao dịch sản phẩm xuất nhập khẩu Trung Quốc và Hội chợ triển lãm Trung Hoa - ASEAN và các diễn đàn thương mại điện tử, tích cực khai thác thị trường Trung Quốc, tạo nhiều cơ hội hợp tác hơn cho doanh nghiệp hai nước, làm sâu sắc hơn hợp tác năng lực sản xuất và đầu tư công nghiệp. Phía Trung Quốc sẵn sàng cùng với phía Việt Nam xây dựng tốt hợp tác kinh tế thương mại; tìm kiếm hợp tác giao lưu trong các lĩnh vực phát triển xanh, kinh tế số, ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy xây dựng hệ thống chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất an toàn và ổn định. Phía Trung Quốc khuyến khích động viên các doanh nghiệp có thực lực, có danh tiếng và công nghệ cao theo nguyên tắc thị trường hóa thương mại hóa sang Việt Nam đầu tư", Phó Thủ tướng Trung Quốc cho biết.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đã được nghe một số ý kiến sâu sắc, sát thực tiễn và đề xuất, kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đặc biệt, đã được nghe Phó Thủ tướng Lưu Quốc Trung phát biểu, trong đó đưa ra định hướng, giải pháp thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương và các cơ quan liên quan của Việt Nam khẩn trương tổng hợp, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng để rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan chức năng hai nước khẩn trương rà soát, hoàn thiện các hiệp định, khuôn khổ hợp tác để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam sẽ thành lập Tổ công tác về thương mại và đầu tư để cùng các đồng chí Trung Quốc thúc đẩy các hoạt động này thực chất, hiệu quả hơn.
Thủ tướng chân thành cảm ơn ông Lý Cường, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc đã quan tâm chỉ đạo; ông Lưu Quốc Trung, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện đã dành thời gian quý báu của mình đến dự và chỉ đạo Diễn đàn quan trọng hôm nay.
Thủ tướng cho rằng, hiện nay, trên tinh thần Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện trong thời đại mới, hai bên phải đổi mới về tư tưởng, tổ chức thực hiện, cơ chế vận hành. Do đó cần có tổ công tác chuyên biệt để thúc đẩy vấn đề này. Đồng thời nỗ lực để hợp tác đầu tư thương mại, kinh tế đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả cho quan hệ vừa là đồng chí, vừa là anh em .
Thủ tướng đề cập một số yếu tố nền tảng đối với các nhà đầu tư: Việt Nam đang tiến hành đổi mới, cải cách mở cửa; Trung Quốc đang tiến hành 2 mục tiêu, hiện đã hoàn thành mục tiêu 100 năm lần thứ nhất. Việt Nam rất ủng hộ và mong muốn tham gia. Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có thu nhập cao; đến 2045 là mục tiêu nước phát triển có thu nhập cao với những mục tiêu rõ ràng đòi hỏi quyết tâm cao, hành động quyết liệt. Muốn vậy phải xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là bạn bè tối, đối tác tốt; thực hiện nền kinh tế độc lập, tự chủ dựa vào nguồn lực bên trong là chính; tập trung 3 đột phá chiến lược; thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch ngành, từ bài toán quy hoạch này mới ra các dự án, tìm ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, thuận lợi để phát huy, phát triển; chỉ ra được những mâu thuẫn, thách thức, hạn chế, yếu kém để tháo gỡ. Quy hoạch phải kết nối các vùng kinh tế với nhau. Việt Nam xác định lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu, nguồn lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; bảo đảm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo không gian cho nhà đầu tư phát triển.
Thủ tướng nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; doanh nghiệp phải có môi trường, hệ sinh thái thì mới phát triển được. Theo đó, Việt Nam nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; đặc biệt là ưu tiên kiểm soát lạm phát… Việt Nam là nền kinh tế đang chuyển, nếu không kiểm soát được lạm phát thì sẽ rất khó khăn; nhưng kiểm soát lạm phát mà không thể tăng trưởng được cũng là vấn đề. Do đó, phải bảo đảm các các cân đối lớn như điện, thị trường lao động phải được ổn định, cân đối; hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất.
Việc điều hành vĩ mô phải hài hoà, hợp lý, cân bằng, ổn định, lợi nhuận cho nhà đầu tư. Chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ phải hỗ trợ lẫn nhau; đẩy mạnh đầu tư công, đầu tư tư nhân, FDI …., giúp doanh nghiệp ổn định và vượt qua khó khăn; bám sát tình hình bên trong và bên ngoài để kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; hiểu được sự vận động của kinh tế thế giới quan hệ với vấn đề chính trị…
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam kiểm soát được lạm phát, khi đó tập trung vào các động lực tăng trưởng như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Thủ tướng Lý Cường nói thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc sẵn sàng chào đón các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam. Theo Thủ tướng, để hàng hoá Việt Nam thâm nhập thị trường Trung Quốc thì phải cải thiện chất lượng hàng hoá xuất khẩu; các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực hơn nữa.
Về thương mại song phương, Thủ tướng cho rằng, còn rất nhiều dư địa để lập các kỷ lục mới vì độ tin cậy chính trị, mối quan hệ lịch sử….; do đó phải nỗ lực để làm được điều này. Việt Nam cam kết làm hết sức minh để hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hạ tầng để giảm chi phí, nâng chất lượng, nâng cao hiệu quả cho đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh, ưu tiên của Việt Nam là thu hút đầu tư có chọn lọc hiệu quả bền vững, lấy chất lượng, hiệu quả công nghệ và bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu; tập trung vào khuyến khích các lĩnh vực thuộc công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi giá trị cung ứng của các nhà doanh nghiệp nước ngoài, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển bền vững công nghệ số và tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tham gia đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng chiến lược, đây là một cơ hội rất tốt để cho các nhà đầu tư thương mại Trung Quốc và Việt Nam nâng cao phạm vi đối tượng hoạt động và đặc biệt là chất lượng sản phẩm để thâm nhập các thị trường của nhau.
"Chúng ta quyết tâm lập những kỷ lục mới về đầu tư thương mại và phát triển quan hệ kinh tế, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm cho Việt Nam cũng như cho Trung Quốc và đặc biệt là đối với Việt Nam", Thủ tướng nhấn mạnh.
Về các giải pháp, Việt Nam đang cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, ổn định, cạnh tranh theo đúng quy luật thị trường; rà soát các cơ chế, chính sách để điều chỉnh những gì hạn chế; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các ngành nghề mới nổi như công nghệ số, tăng trưởng xanh, giảm chi phí logistics; tạo môi trường ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển; ứng phó kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh vốn khó dự báo; do đó cần có kịch bản ứng phó những vấn đề phát sinh tác động trong nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về thương mại, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục thúc đẩy thương mại biên giới, nghiên cứu hình thành các khu thương mại biên giới phù hợp. Vấn đề là quyết tâm chính trị và hành động quyết tâm đến đâu.
Thủ tướng hoan nghênh cửa khẩu thông minh giữa Lạng Sơn và Quảng Tây; nâng cấp các cửa khẩu để hoạt động tốt hơn.
Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đầu tư mở rộng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam bảo đảm môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh cho các nhà đầu tư; đề nghị các nhà đầu tư thực hiện theo tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có hiệu quả, "cân, đong, đo, đếm" với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, tất cả cùng thắng. Điều này chính là cụ thể hoá cam kết của Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thoả thuận.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc gồm: Chủ tịch Tập đoàn Texhong Hong Tian Zhu; Chủ tịch Tập đoàn Runergy Tao Long Zhong; Chủ tịch Tập đoàn Energy China Song Hailiang; Chủ tịch Tập đoàn GOERTEK Jiang Binh; Tổng giám đốc điều hành TCL Wang Cheng; Chủ trịch Tập đoàn Thiên Năng; Chủ tịch Tập đoàn Trường Thành Cheng Jinkui. Đây là những tập đoàn đang đầu tư lớn và mong muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Tại các cuộc tiếp, lãnh đạo các tập đoàn đánh giá cao và tin tưởng vào sự phát triển năng động của Việt Nam; cho biết đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả và mong muốn tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trên một số lĩnh vực như: năng lượng, hạ tầng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, bến cảng thủy nội địa, sản xuất ô tô, nghiên cứu phát triển, xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam...
Bên cạnh đó, các tập đoàn cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Trong đó cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cung cấp nguồn năng lượng điện ổn định cho sản xuất, cung cấp đủ nguồn vật liệu san lấp mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp, tháo gỡ các vướng mắc trong quy định phòng cháy, chữa cháy...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, chúc mừng kết quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; cảm ơn các doanh nghiệp đã chọn Việt Nam làm cứ điểm và mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đề nghị các doanh nghiệp tin tưởng, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
Về các đề xuất của các tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam đã thông qua Quy hoạch điện VIII, trong đó thực hiện chuyển đổi năng lượng, phát triển điện gió, năng lượng mặt trời; khuyến khích tự sản, tự tiêu, phát triển điện áp mái; các doanh nghiệp có thể căn cứ để đầu tư.
Ngoài các lĩnh vực mà các tập đoàn đề xuất đầu tư, Thủ tướng cho biết, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực: công nghiệp năng lượng tái tạo; xây dựng hệ thống truyền tải điện; các ngành phụ trợ dệt may và xây dựng sàn trình diễn thời trang đẳng cấp quốc tế...Hiện nay, Việt Nam cũng đang thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính để giảm thời gian, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục sửa đổi và có cơ chế, chính sách để tháo gỡ một số vướng mắc trong khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng, cũng như chính sách phát triển nhà ở xã hội; tin tưởng trong thời gian tới, những vướng mắc của các doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị, ngoài tiếp tục mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định lâu dài tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải quan tâm bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống cho người lao động, làm tốt công tác an sinh xã hội, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Trên tinh thần Chính phủ luôn luôn lắng nghe, nếu các doanh nghiệp có các vướng mắc mà các bộ, ngành, địa phương không giải quyết thấu đáo thì gửi thư, phản ánh trực tiếp đến Thủ tướng để xem xét, xử lý.
Bình luận