Sáng 28/4, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 “Đồng hành - hợp tác - phát triển”.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng những kết quả xúc tiến đầu tư Sóc Trăng đạt được. Thủ tướng đánh giá cao các đại biểu, các nhà đầu tư đã góp ý chân thành, thẳng thắn với tỉnh Sóc Trăng.
Thủ tướng mong các nhà đầu tư làm việc với các địa phương bằng cái tâm, cái tình trên tinh thần nói thật, nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân được thụ hưởng thật; không đánh bóng hình ảnh, tránh tình trạng ký kết rầm rộ, hoành tráng, chỗ nào cũng xuất hiện nhưng không triển khai được nhiều trong thực tế, gây mất niềm tin; cùng với đó, phải chống tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng cũng tán thành với định hướng thu hút phát triển năng lượng tái tạo của Sóc Trăng. Thủ tướng cho rằng Sóc Trăng đường bờ biển dài 72 km, sức gió bình quân hơn 6 m/giây, là một trong những địa phương có tiềm năng gió lý tưởng để phát triển điện gió...
"Hôm qua tôi khảo sát ven biển Sóc Trăng, thì thấy việc bồi lắng ven bờ có thể giúp các trụ điện gió ngày càng đứng vững, trong khi năng lượng gió ngày càng rẻ. Nhưng muốn chuyển đổi năng lượng cần phải chuyển đổi đồng bộ về pháp lý, công nghệ, tài chính, quản trị và con người. Mặt khác, phải nói thẳng thắn với các nhà đầu tư, rằng Việt Nam trải qua chiến tranh kéo dài, là nước đang phát triển, vậy thì phải hỗ trợ Việt Nam để việc ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý…", Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.
Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết, để khắc phục điểm nghẽn trong phát triển vùng ĐBSCL , Trung ương sẽ triển khai nhiều công trình hạ tầng liên vùng, như: tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, các tuyến quốc lộ, cầu Đại Ngãi. Đặc biệt là Cảng biển Trần Đề đã được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam.
“Qua đó, trong tương lai, Sóc Trăng sẽ có cơ hội là cửa ngõ giao thương, kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các nước tiểu vùng sông Mêkong qua hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến hàng hải quốc tế; đồng thời, tỉnh Sóc Trăng sẽ khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, để phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch, các dự án năng lượng, logistics,… tạo động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh”, ông Lâm Văn Mẫn nói.
Cũng theo ông Mẫn, Sóc Trăng sẽ tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực, như: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp và năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ, du lịch, logistics và kinh tế biển,…
Tại Hội nghị, Sóc Trăng trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án (tổng mức đầu tư đăng ký 12.078 tỷ đồng) và ký ghi nhớ nghiên cứu khảo sát đầu tư với các doanh nghiệp, tổng mức đầu tư đăng ký trên 200.000 tỷ đồng.
Trước đó tại hội nghi xúc tiến đầu tư vào năm 2018, tỉnh đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ 25 dự án với tổng vốn 40.315 tỷ đồng. Đến nay, có 7 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 2.870 tỷ đồng, 4 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 3.230 tỷ đồng; 2 dự án đã thực hiện thủ tục đấu giá và các dự án khác đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Từ sau Hội nghị, Sóc Trăng tiếp tục đón tiếp, làm việc với hơn 500 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, nghiên cứu đầu tư. Qua đó, tỉnh thu hút được 101 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 67.500 tỷ đồng.
Bình luận