Sáng nay (10/6) Bộ GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức phát động phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030”.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn "Muốn biết thì phải thi đua học. Học không bao giờ cùng. Học mãi để tiến bộ mãi. Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm”. Và chính Người cũng là tấm gương vĩ đại, mẫu mực về tự học, tự rèn luyện, học tập suốt đời.
Theo Thủ tướng, giáo dục được xác định là quốc sách hàng đầu và đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Trong đó, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ngày càng thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội và phát triển mạnh mẽ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trên cả nước.
Nhờ vậy, nền giáo dục nước ta có những chuyển biến quan trọng, mạng lưới giáo dục được mở rộng trên khắp nơi, nhiều điểm yếu về giáo dục đã được khắc phục, nhiều loại hình đào tạo phong phú, đa dạng, phù hợp cho mọi lứa tuổi.
Lãnh đạo chính phủ nhấn mạnh vai trò của học tập để đổi mới sáng tạo, góp phần bảo vệ, xây dựng đất nước. Học tập để chúng ta xây dựng đất nước ngang tầm với các nước phát triển, năm châu bốn bể. "Học tập để chứng minh rằng dân tộc ta không thua kém bất cứ nước nào trên thế giới. Sức mạnh của dân tộc bắt nguồn từ nhân dân, bắt nguồn từ văn hóa", ông khẳng định.
Theo Thủ tướng, Việt Nam vừa trải qua đại dịch COVID-19, chúng ta không tưởng tượng được khó khăn như thế nào khi phải đóng cửa trường học. Nhưng đó cũng là cơ hội để mở ra cơ hội học tập thông qua internet, trực tuyến. Trong khó khăn chúng ta đổi mới sáng tạo và việc học trực tuyến này cần tiếp tục duy trì.
"Tổng kết lại tôi rất tâm đắc với câu nói: “Non cao còn có đường trèo/ Đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”. Qua đó để thấy trong khó khăn thách thức, dân tộc ta lúc nào cũng tìm được con đường đi phù hợp để đến đích, đi đến chiến thắng", ông Chính nói và nhắc nhở đất nước ta phát triển với ba trụ cột chính: con người - thiên nhiên - truyền thống, lịch sử dân tộc.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc về nhiều gương người khuyết tật, điển hình như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, bằng nghị lực phi thường đã vượt qua số phận để đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Hay những bác trên 60, 70 tuổi vẫn cắp sách đến trường, các cụ 80, 90 tuổi vượt qua tuổi tác để hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, lấy bằng đại học, thạc sỹ...
"Đây thực sự là những mô hình mới, những tấm gương sáng về tinh thần học không bao giờ muộn, cần nhân rộng và noi theo", Thủ tướng biểu dương.
Nhắc đến vai trò của việc tự học, tự trau dồi, nâng cao kiến thức, ông Chính cho rằng, không quốc gia phát triển nào không bắt đầu từ giáo dục. Xu hướng học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đã được chú trọng triển khai ở nhiều nước như Mỹ, Canada, Úc, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel… Đến nay hơn 1.000 thành phố trên thế giới tham gia vào các sáng kiến “thành phố giáo dục, thành phố học tập”.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, Thủ tướng Phạm Minh Chinh nêu lên 5 nhiệm vụ cần làm trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả giáo dục, đào tạo, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Xây dựng hệ thống giáo dục mở, đa dạng, linh hoạt, liên thông, hiện đại, công bằng, hội nhập, đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động của các cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa. Hỗ trợ các trung tâm học tập cộng đồng, nhất là ở biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
"Khi đi vào thực chất, cần phải đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách về con người, tài chính, tăng cường công tác kiểm tra để thực hiện được mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau", Thủ tướng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương.
Thứ ba, huy động sự đóng góp toàn xã hội tạo sức mạnh tổng hợp cả về nguồn lực, về vật chất, ý chí, tạo đột phá trong phát triển xã hội học tập.
Thứ tư, thực hiện tốt chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030”.
Thứ năm, tuyên truyền phong trào và điển hình tiêu biểu, tạo động lực, truyền cảm hứng, phổ biến những mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác với các nước trên thế giới, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng và phát triển xã hội học tập, ứng dụng công nghệ đào tạo mở, từ xa, xây dựng thành phố học tập.
Bình luận