Mở đầu phát biểu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận những thành tựu của ngành giáo dục trong quá trình Đổi mới 30 năm. Ngoài ra, ông còn đánh giá cao sự đổi mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác giáo dục năm 2016.
Thủ tướng ghi nhận ngành giáo dục đã bước đầu triển khai toàn diện đổi mới giáo dục, dạy học theo hướng mở, khơi gợi tư duy, sáng tạo. Đặc biệt, trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, đã khắc phục những hạn chế của năm trước, từ đó, tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh.
Thủ tướng cho rằng, theo tinh thần lớn của Nghị quyết 29, giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Cần tập trung sức lực thực hiện thành công đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, xây dựng nền giáo dục mở, thực học và liên thông. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vì đó là sự tiếp nối của con người, đổi mới bám sát yêu cầu.
Thủ tướng chia sẻ: “Riêng năm học vừa qua, dù gặp nhiều khó khăn nhưng sự nỗi lực của toàn ngành giáo dục đã thể hiện rõ thông qua nhiều báo cáo. Đặc biệt, bước đầu thực hiện đồng bộ Nghị quyết 29, đổi mới dạy học theo hướng mở, chú trọng phát triển tư duy sáng tạo, tiếp tục đổi mới thi, đánh giá trong kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn tồn tại nhiều hạn chế, tuy được khắc phục nhưng chưa căn bản".
Theo Thủ tướng, giáo dục phổ thông chưa coi trọng đạo đức, lối sống, nhân cách, thường xuyên xảy ra bạo lực học đường, nhiều tội phạm khi đang ở tuổi vị thành niên. Bên cạnh đó, khả năng học ngoại ngữ của học sinh còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, thiếu kỹ năng sống, nhiều nội dung học không mang giá trị thực tiễn sau này.
Điểm hạn chế tiếp theo mà Thủ tướng nêu ra là đội ngũ quản lý còn thiếu bất cập về cơ cấu, công tác quản lý giáo dục chậm đổi mới, thiếu đồng bộ khi thanh tra, kiểm tra còn lúng túng, hiệu quả thấp.
“Hiện nay, số trường đại học tăng cao nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội”, Thủ tướng nói.
Hiện tại, vấn đề đào tạo tiến sỹ, thạc sỹ "có những dấu hiệu đáng lo ngại", "là biểu hiện của bệnh sính bằng cấp". Ông nhận thấy, chúng ta có nhiều tiến sĩ nhưng thiếu các công trình ứng dụng cho xã hội.
Theo Thủ tướng, giáo dục phổ thông cần bảo đảm chương tình vừa hình thành nhân cách, văn hóa của một công dân trẻ, vừa bảo đảm tính hiện đại, hội nhập.
Chú ý giáo dục thể chất để tạo một thế hệ thanh niên khỏe mạnh, toàn diện.Thanh niên thấp bé, thể lực hạn chế, cần khắc phục sớm, không thể coi nhẹ vấn đề này. “Cuối cùng, cần tạo cơ hội bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục nhất là vùng sâu, vùng xa”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức
Bình luận