Sáng 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty bàn giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP.
Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng GDP liên quan đến nhiều vấn đề, llĩnh vực quan trọng, cần những giải pháp, đột phá ở các cấp, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn. Yêu cầu các đơn vị tập trung thảo luận tháo gỡ khó khăn các khu vực sản xuất.
Về công nghiệp, xây dựng, 6 tháng cuối năm phải đạt tăng trưởng 9,2% để đạt mục tiêu cả năm là 7,91%. Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty phải báo cáo cụ thể số liệu, tình hình và giải pháp cho từng ngành, từng lĩnh vực.
Đặc biệt cứ tăng 1 triệu tấn thép góp phần tăng 0,08% GDP. Tăng 1 triệu tấn than là tăng 0,17% GDP.
Khu vực chế biến, chế tạo, 6 tháng cuối năm phải tăng trưởng 14% để đạt mục tiêu 13% cả năm 2017. Thủ tướng cũng lưu ý mục tiêu tăng 11% của ngành sản xuất, phân phối điện.
Về các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đầu tư tài chính, thương mại, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21-22%. Đây là kênh rất quan trọng cho phần tăng trưởng. Cần lưu ý chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát…
“Giải ngân không được giật cục mà rải đều”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính được yêu cầu báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công, kể cả ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA… Cần có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để đạt tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP.
Để hoàn thành kế hoạch cả năm là tăng trưởng GDP 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP của cả năm 2017 đạt 6,7% thì tăng trưởng quý III phải đạt tối thiểu 7,23% và quý IV là 7,57%.
Nhằm tạo điều thuận lợi cho doanh nghiệp, Chính phủ cũng yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh.
Trước đó, cuối tháng 7, xét đề nghị của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) gửi các báo cáo rà soát về điều kiện kinh doanh.
Video: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Cây dựa vào thần, thần dựa vào cây
Theo VCCI, trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 1.220 giấy phép con cho 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 106 giấy phép con cho 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Bình luận