Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu tham dự Hội nghị. Hội nghị đã ghi nhận những kết quả quan trọng đạt được trong việc hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2015, bao gồm triển khai “Kế hoạch hành động của Chiến lược Tokyo 2015”, “Sáng kiến Kết nối Mekong-Nhật Bản” và “Tầm nhìn Phát triển Công nghiệp Mekong”.
Các nước Mekong đánh giá cao sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho hợp tác Tiểu vùng. Sau khoảng 2 năm triển khai các Kế hoạch hành động của Chiến lược Tokyo 2015 và Tầm nhìn phát triển công nghiệp Mekong, Nhật Bản đã thực hiện tài trợ hơn hai phần ba số tiền cam kết là 750 tỷ yên (khoảng 6,6 tỷ USD) dành cho ba năm 2016-2018.
Lãnh đạo các nước Mekong cũng hoan nghênh cam kết của Nhật Bản triển khai “Quan hệ đối tác vì cơ sở hạ tầng bền vững” và tiến trình thực hiện “Sáng kiến Hợp tác phát triển nhân lực công nghiệp” do Nhật Bản hỗ trợ.
Về định hướng hợp tác thời gian tới, các nhà Lãnh đạo nhất trí: Tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế - công nghiệp giữa Nhật Bản với các nước Mekong theo định hướng của tài liệu “Phát triển Công nghiệp Mekong kết nối” đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế Mekong-Nhật Bản lần thứ 9; Tăng cường sự phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các tổ chức khu vực và quốc tế khác như Ngân hàng Phát triển châu Á, Trung tâm Nhật Bản - ASEAN, Ủy hội sông Mekong... ; Hỗ trợ các nước Mekong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, triển khai các dự án ứng phó lũ lụt, hạn hán và tái khẳng định ý nghĩa sống còn của việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo vệ môi trường sông Mekong.
Bên cạnh đó, các nhà Lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hội nghị cũng nhấn mạnh việc tăng cường thực thi pháp luật của các nước Mekong với sự hỗ trợ của Nhật Bản, bao gồm nâng cao năng lực chấp pháp trên biển và chống khủng bố, cũng như thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa và nhân dân giữa Nhật Bản và các nước Mekong.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá sau 10 năm thành lập, hợp tác Mekong - Nhật Bản ngày càng hiệu quả, khẳng định vai trò quan trọng trong khu vực và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Thủ tướng cũng cảm ơn sự hỗ trợ của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản dành cho khu vực Mekong nói chung và Việt Nam nói riêng.
Thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác Mekong - Nhật Bản cần chú trọng hỗ trợ các nước Mekong: Phát triển công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng lực nghiên cứu phát triển; Xây dựng hạ tầng chất lượng cao và tăng cường kết nối khu vực, bao gồm các tuyến hành lang giao thông liên quốc gia và hệ thống logistic; Chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững, đồng thời bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Kết thúc Hội nghị, các nhà Lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung và nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Cấp cao Mekong - Nhật Bản lần thứ 10 tại Nhật Bản.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ lần thứ 9, các nhà Lãnh đạo đã kiểm điểm lại những kết quả hợp tác trong năm qua và đánh giá cao những kết quả đã đạt được, đặc biệt trong thực hiện Kế hoạch hành động Triển khai Tuyên bố chung về Đối tác Toàn diện giữa ASEAN và LHQ (2016-2020), thúc đẩy nỗ lực chung trong phát triển cơ sở hạ tầng khu vực, nâng cao năng lực hợp tác công-tư, phát triển MSMEs và tăng cường tính tự cường của ASEAN trong ứng phó biến đổi khí hậu và thảm hoạ thiên tai.
Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-LHQ 2016-2020 cũng như phối kết hợp Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với các lĩnh vực ưu tiên gồm gìn giữ hòa bình, chống tội phạm xuyên quốc gia, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo…
Trong không khí Lễ kỷ niệm vàng của ASEAN, các nhà Lãnh đạo hoan nghênh Nghị quyết kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN của Đại hội đồng LHQ - nghị quyết đầu tiên của LHQ kỷ niệm thành lập một tổ chức khu vực.
Nhân dịp lần đầu tiên dự Hội nghị Cấp cao ASEAN, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định cam kết thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Toàn diện ASEAN-LHQ theo hướng hỗ trợ thực tiễn ASEAN thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng 2025 và các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát biển bền vững của LHQ.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-LHQ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn và hoan nghênh việc Đại Hội đồng LHQ lần đầu tiên thông qua một nghị quyết kỷ niệm một tổ chức khu vực dịp ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập. Thủ tướng đề nghị hai bên cần tăng cường tham vấn, phối hợp để thúc đẩy sự các chương trình hợp tác ASEAN-LHQ về phát triển bền vững và cải thiện an sinh xã hội. Bên cạnh đó, hai bên cần tăng cường chia sẻ và thúc đẩy lợi ích chung, hỗ trợ lẫn nhau trong ứng phó với các thách thức mang tính khu vực và toàn cầu như biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên tai cũng như đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế.
Sáng nay (14/11), các nhà Lãnh đạo ASEAN sẽ họp Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 với Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc; tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-Canada và Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN-EU.
Bình luận