Ngày 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay.
Phát biểu kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đánh giá, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Đợt dịch gây hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống người dân. Do đó, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời, vừa có nhiệm vụ y tế, vừa có nhiệm vụ kinh tế-xã hội, vừa khắc phục những hậu quả của đại dịch, phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội thành công.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, thật sâu, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục những hạn chế, bất cập này trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh, một số nguyên nhân giúp đạt được kết quả nói trên, mà trước hết là sự nỗ lực, phấn đấu, cố gắng hết mình của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của của người dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
"Chúng ta đã kế thừa những biện pháp phù hợp trước đây, đồng thời bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đổi mới, đưa ra giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện một số biện pháp có tính chất bước ngoặt như điều động lực lượng hỗ trợ các địa phương tâm dịch. Chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân vừa là chủ thể, là trung tâm trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân" - Thủ tướng nói.
“Rất nhiều việc không có tiền lệ phải quyết định trong thời gian rất ngắn, bối cảnh rất khó khăn, bàn bạc tạo đồng thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền”, Thủ tướng phát biểu. Cụ thể như triển khai hàng trăm trạm y tế lưu động tại TPHCM, điều động hàng trăm nghìn cán bộ chi viện, lo an sinh xã hội cho hàng triệu người dân trong một thời gian rất gấp rút.
Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng đã có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng virus mới. Khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, có kịch bản, phương án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập chủ động và khẩn trương hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học cho học sinh; triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc các bé mồ côi do dịch bệnh.
Song song với chiến lược vaccine, Thủ tướng lưu ý điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế, do người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong.
Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.
"Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên", Thủ tướng nêu nguyên tắc.
Bình luận