• Zalo

Thủ tướng đề nghị G20 thành lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp

Thế giớiChủ Nhật, 09/07/2017 10:32:00 +07:00Google News

Tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg (Đức), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các phiên thảo luận và có nhiều cuộc tiếp xúc song phương.

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, phát biểu tại hội nghị ngày 8/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh G20 thảo luận vấn đề việc làm và trao quyền cho phụ nữ trong kỷ nguyên số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số cũng là nội dung quan trọng trong Nghị sự của APEC 2017, thông báo Việt Nam sẽ tổ chức Đối thoại chính sách cấp cao APEC về phụ nữ và kinh tế vào tháng 9/2017.

ttt

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk (phải) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. (Ảnh: VGP)

Khẳng định Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, Thủ tướng đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về tự do hơn nữa cho phát triển cơ sở hạ tầng mạng và ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số.

Thủ tướng cũng đề nghị thành lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về khởi nghiệp sáng tạo.

Tại các phiên thảo luận trong ngày 8/7, G20 nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế trong ứng phó với các dịch bệnh; ủng hộ tăng cường vai trò của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cảnh báo, phòng và chống các dịch bệnh.

Hội nghị nhấn mạnh tăng cường hợp tác quản lý di cư, hỗ trợ người di cư và tị nạn, ủng hộ sáng kiến “Thoả thuận hợp tác với châu Phi”, nhất trí tăng cường hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào các nước châu Phi.

thutuong

 Thủ tướng tham dự các phiên thảo luận ngày 8/7. (Ảnh: VGP) 

Hội nghị khẳng định tăng cường hợp tác phát triển doanh nghiệp vừa-nhỏ, khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy các chuỗi giá trị và sản xuất toàn cầu.

Tiếp tục các hoạt động tiếp xúc song phương bên lề Hội nghị G20, cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

Thay mặt Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mời tổng thống Indonesia tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng tháng 11. Thủ tướng cảm ơn Indonesia đã thả và cho hồi hương 695 ngư dân Việt Nam.

Tổng thống Widodo khẳng định sẽ tham dự APEC 2017, nhất trí với đề nghị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam. Hai bên cùng bày tỏ mong muốn thúc đẩy sớm hoàn tất đàm phán phân định Vùng đặc quyền kinh tế.

Vui mừng gặp lại Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị nước này tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 15 tỷ USD vào năm 2020.

tt 3

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; nhấn mạnh Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp vào việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ.

Thủ tướng Ấn Độ mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam; khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông”.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu và Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị EU sớm hoàn thành việc rà soát pháp lý và ký chính thức Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đồng thời hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam để triển khai hiệu quả EVFTA.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhấn mạnh EU rất coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác có trách nhiệm; đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á và trong ASEAN; nhất trí cùng Việt Nam đẩy nhanh quá trình rà soát pháp lý để sớm ký chính thức EVFTA.

Các nhà lãnh đạo Indonesia, Ấn Độ và EU chia sẻ quan điểm với Việt Nam về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo khẳng định cùng nhất trí duy trì quan hệ hữu nghị và hợp tác, ổn định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam đánh giá cao vai trò lãnh đạo hạt nhân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và coi trọng thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng bày tỏ mong muốn được đón Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức tháng 11 tại Đà Nẵng.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ thăm Việt Nam và tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn