Chiều 13/5, tại Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị các nhà khoa học đóng góp ý kiến cho Tiểu ban kinh tế-xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng dự hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cùng một số cơ quan khác; đông đảo các nhà khoa học trong các lĩnh vực.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, hội nghị là để các nhà khoa học góp ý vào các văn kiện quan trọng là Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025. Tiểu ban Kinh tế xã hội đã báo cáo Bộ Chính trị Đề cương sơ bộ và đang chuẩn bị Đề cương chi tiết các văn kiện này để trình Hội nghị Trung ương sắp tới.
Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học đánh giá thực trạng đất nước trên các mặt, kể cả các mặt đạt được, các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; Làm rõ hơn bối cảnh trong nước thời gian tới, các khó khăn thách thức đối với nước ta, nhất là khi độ mở của nền kinh tế rất lớn; đặc biệt là đề xuất những quan điểm, các định hướng, đột phá phát triển, nhiệm vụ, giải pháp trong 5 năm, 10 năm tới, tầm nhìn đến năm 2045 trên mọi lĩnh vực. Trong đó có phát triển bền vững, mối quan hệ hài hòa giữa văn hóa, xã hội, môi trường cũng như kinh tế và củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã trình bày báo cáo đóng góp về lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa... Trong lĩnh vực kinh tế, báo cáo cho thấy, cần phải xác định quan điểm xuyên suốt là nhanh, sáng tạo và bền vững, từ đó triển khai các nội hàm về quốc gia sáng tạo, thành phố sáng tạo, doanh nghiệp sáng tạo,..., góp phần tăng trưởng xanh, bền vững.
Cùng với đó là cần chuyển dịch cơ cấu đóng góp cho tăng trưởng theo hướng dựa vào khoa học công nghệ; có bước đột phá và có những bước nhảy vọt ở một số lĩnh vực thay vì phát triển tuần tự.
Trong đó, cần thúc đẩy kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ, tạo động lực tăng trưởng. Cần truyền cảm hứng mạnh mẽ hơn về đổi mới sáng tạo cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhất là thế hệ trẻ, đóng góp cho đất nước.
Các nhà khoa học cho rằng cần quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề xã hội, văn hóa; nhấn mạnh việc tiếp tục xây dựng một xã hội văn minh. Trước việc già hóa dân số ở nước ta đang diễn ra song hành với già hóa dân số, các chuyên gia cho rằng chiến lược phải có giải pháp thích ứng với già hóa dân số. Bên cạnh đó cần có bộ chỉ số về phát triển xã hội, nhấn mạnh giá trị văn hóa con người là một đột phá quan trọng trong phát triển.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các nhà khoa học có nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, trách nhiệm và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội tiếp thu các ý kiến này. Thủ tướng đánh giá cao các nhà khoa học đưa ra nhiều thông tin mới, sát thực tiễn, đồng thời đã nêu ra được một số giải pháp thúc đẩy phát triển đất nước.
Thủ tướng tán thành với các chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế xã hội có gam màu sáng, nhưng cũng đang xuất hiện không ít vấn đề cần nhận diện và có giải pháp xử lý, trong đó có nguy cơ tụt hậu.
Về động lực phát triển nhanh và bền vững, Thủ tướng tán thành với các chuyên gia về việc lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một động lực thúc đẩy phát triển, phát huy sức sáng tạo, khát vọng phát triển trong mỗi con người Việt Nam. Công nghệ và doanh nghiệp công nghệ là lối ra cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thủ tướng cũng ghi nhận nhiều ý kiến đề cập đến các vấn đề văn hóa, xã hội mà các chuyên gia nêu ra.
Từ các ý kiến nêu ra một số vấn đề tại hội nghị, Thủ tướng cũng cho rằng, phải sửa cái sai, những khiếm khuyết, giữ gìn văn hóa, đạo đức xã hội, nâng cao năng lực, năng suất lao động để đất nước không tụt hậu.
Thủ tướng cho biết, Tiểu ban Kinh tế Xã hội tiếp thu ý kiến các nhà khoa học nêu ra tại hội nghị này và sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến, Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục cho ý kiến, đóng góp vào việc hoàn thiện văn kiện.
Bình luận