Chiều 20/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị báo cáo dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải làm rõ trong quá trình tổ chức thực hiện đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế trong thời gian qua có những vấn đề nào vướng mắc, gây khó khăn.
"Thủ tướng đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng thuốc, vật tư y tế vẫn khan hiếm. Do vậy trong sửa luật phải khắc phục được vấn đề này", ông Thanh nhấn mạnh.
Ông Thanh cho rằng, việc sửa luật sẽ có cơ sở pháp lý, khắc phục những tồn tại hạn chế trong quá trình tổ chức đấu thầu. Đồng thời, việc này hạn chế những tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong đấu thầu.
"Thời gian qua, xã hội rất quan tâm việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bởi đây là mặt hàng thiết yếu, rất cần thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện đấu thầu trong lĩnh vực này rất khó khăn", ông Thanh nói.
Góp ý liên quan đến quy trình thủ tục lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Thanh, thời gian qua, chúng ta thiên về chọn giá rẻ nhưng không chọn được nhà đầu tư tốt. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, đang có rất nhiều công trình phải xử lý khi giá thầu thì rất rẻ nhưng sau quá trình điều chỉnh lên, điều chỉnh xuống, kéo dài thời gian rất lãng phí.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nêu rõ, so với những hàng hóa khác, thuốc và trang thiết bị y tế khó có thể dự trù chính xác nhu cầu sử dụng vì phụ thuộc tình hình hiện tại, dịch bệnh.
"Việc tổ chức đấu thầu theo các quy định của luật sẽ mất rất nhiều thời gian, có thể xảy ra việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, ảnh hưởng đến bệnh nhân. Do vậy, điều này cần được tính trong dự thảo luật", bà Thúy Anh nói.
Theo bà Thúy Anh, về các quy định liên quan đến thẩm định giá cũng cần tiếp tục được nghiên cứu quy trình để có thể kiểm soát được kết quả thẩm định giá.
Trước đó, trình bày về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu các nhóm, các quy định sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu thầu; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong hoạt động đấu thầu.
Theo ông Dũng, nhóm chính sách này bao gồm bổ sung quy định về các trường hợp người có thẩm quyền được phép đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu, quyết định vô hiệu đối với các quyết định của chủ đầu tư, bên mời thầu trong trường hợp phát hiện có sai phạm trong hoạt động tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm nâng cao giá trị, hiệu lực pháp lý của việc xử lý vi phạm trong đấu thầu.
"Hoàn thiện quy định về các hành vi bị cấm để xác định đầy đủ các hành vi vi phạm trong đấu thầu đã xảy ra trong thực tế, đồng thời quy định cụ thể phạm vi cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư có hành vi vi phạm cho phù hợp với thẩm quyền quản lý của từng người có thẩm quyền", ông Dũng nói.
Bình luận