Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh điều này khi phát biểu khai mạc Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 về các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, sáng 15/9.
Thủ tướng nêu rõ, cơn bão Yagi là cơn bão lịch sử với 7 yếu tố: cường độ lớn; tốc độ cao; phạm vi rộng; đối tượng tác động nhiều; kéo dài nhiều tiếng khi đổ bộ vào đất liền; gây mưa lũ lớn dài ngày, trên diện rộng từ Thanh Hóa trở ra; gây hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cả vật chất và tinh thần.
Trước tình hình bão lũ, thiên tai, Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã họp, ra kết luận rất kịp thời. Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến các địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả của bão.
Thủ tướng cũng ban hành 9 công điện chỉ đạo với tinh thần bám sát tình hình thực tế, phản ứng đúng, trúng, nhanh, phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ biểu dương các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an… người dân với sự ủng hộ, đồng lòng, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước đã nghiêm túc triển khai các chỉ đạo của Trung ương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai.
Theo người đứng đầu Chính phủ, Thường trực Chính phủ tổ chức hội nghị này nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả của bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn.
Cụ thể: Khẩn trương khắc phục hậu quả bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Chúng ta làm việc vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tất cả vì Nhân dân, vì sự phát triển của đất nước", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Theo cập nhật của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến 6h ngày 15/9, bão và hoàn lưu bão Yagi gây mưa lũ, sạt lở đất tại các tỉnh, thành phố phía Bắc làm 348 người chết, mất tích (281 người chết, 67 người mất tích).
Trong đó, Lào Cai là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất về người với 118 người chết, 50 người mất tích; tiếp đến là Cao Bằng 53 người chết, 5 người mất tích; Yên Bái 53 người chết, 1 người mất tích; Quảng Ninh 25 người chết; Hải Phòng 2 người chết; Hòa Bình 7 người chết; Lạng Sơn 3 người chết; Tuyên Quang 5 người chết; Thái Nguyên 4 người chết; Phú Thọ 2 người chết, 9 người mất tích...
Mưa bão cũng khiến 1.921 người bị thương (Quảng Ninh 1.609, Hải Phòng 65, Hải Dương 05, Hà Nội 10, Bắc Giang 12, Bắc Ninh 52, Hà Giang 1, Lạng Sơn 10, Lào Cai 84, Yên Bái 36, Cao Bằng 16, Phú Thọ 7, Bắc Kạn 04, Hoà Bình 2, Vĩnh Phúc 2, Thanh Hoá 2, Hưng Yên 4).
Thống kê sơ bộ trên cả nước cho thấy có 235.354 ngôi nhà bị hư hỏng do bão và mưa lũ, tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái…
Bình luận