Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta thực hiện công cuộc đổi mới dựa trên ba trụ cột: xóa quan liêu bao cấp; thực hiện đa sở hữu và hội nhập quốc tế. Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị Khóa XI đã ban hành Nghị quyết 22 về hội nhập quốc tế.
Đây là văn bản có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, quốc phòng, an ninh đến văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo…
Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện Nghị quyết 22 góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Từ năm 2013 đến nay, nước ta đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên Đối tác chiến lược hoặc Đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên Đối tác toàn diện góp phần tạo ra mạng lưới Đối tác chiến lược, Đối tác toàn diện với 33 nước, trong đó có tất cả các nước lớn; chính thức tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình; cũng như tham gia sâu rộng vào nhiều FTA và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP, EVFTA… góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tựu là cơ bản, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết cũng còn những hạn chế, trăn trở về những việc mà chúng ta đáng ra có thể làm tốt hơn; đáng ra có thể tranh thủ tốt hơn các thời cơ đến từ tiến trình hội nhập. Do đó, cần phải đánh giá, phân tích kết quả, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để trình Bộ Chính trị xem xét, chỉ đạo về hội nhập quốc tế phù hợp với tình hình.
Tại hội nghị các thành viên của Ban chỉ đạo và lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương, địa phương đã đánh giá thẳng thắn; thực chất, đi thẳng vào các nội dung như: tập trung đánh giá các kết quả lớn, các tồn tại, hạn chế và các bài học kinh nghiệm rút ra trong triển khai Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị 10 năm qua, trong đó cần đi sâu làm rõ hơn những tồn tại, vướng mắc; những vấn đề mà chúng ta đã có thể làm tốt hơn để từ đó đúc rút các bài học kinh nghiệm, tham mưu đề xuất cụ thể cho giai đoạn hội nhập trong thời gian tới.
Phân tích làm rõ các nội hàm còn nguyên giá trị của Nghị quyết, cần phải tiếp tục kế thừa phát huy; những nội dung nào cần được bổ sung, phát triển để đáp ứng tốt hơn yêu cầu mới của thực tiễn, làm rõ về việc có cần thiết xây dựng, ban hành một Nghị quyết mới về hội nhập quốc tế hay một văn bản chỉ đạo cập nhật, bổ sung định hướng cho hội nhập quốc tế trong giai đoạn tiếp theo hay không.
Từ góc nhìn của các Bộ, ngành, địa phương và thực tiễn triển khai hội nhập quốc tế thời gian qua xác định chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, đặc biệt là các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới, trước mắt là giai đoạn từ nay tới 2030 và đưa ra các phương án, vấn đề cần xin ý kiến Ban Chỉ đạo.
Bình luận