Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện hỏa tốc gửi các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan chỉ đạo tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự trước tình trạng các lái xe chèn ép nhau để tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương trên tuyến Quốc lộ 5 và tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng rà soát, lên danh sách các đối tượng hình sự hoạt động trên tuyến.
Công an các địa phương cần kịp thời phát hiện các băng nhóm có dấu hiệu "bảo kê", những đối tượng có hành vi đe dọa, cố ý gây thương tích cho các lái xe và phụ xe, gây rối trật tự công cộng để có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý đối với lái xe, chủ xe của các nhà xe đe dọa, sử dụng vũ lực để tranh giành khách, vi phạm hoạt động kinh doanh vận tải hành khách.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm đối với hành vi ném đá vào các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tổ chức rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe ô tô giữa Hà Hội và Hải Phòng.
Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải xác định rõ lộ trình giữa bến đầu và bến cuối; xác định rõ các điểm đón - trả khách dọc trên tuyến... thống nhất với Sở Giao thông vận tải địa phương, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Sở Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý đối với các bến xe, quy hoạch mạng lưới tuyến, tổ chức quản lý các điểm đón, trả khách dành cho xe ô tô vận tải hành khách tuyến cố định.
Sở phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp cho các đơn vị kinh doanh vận tải; nghiên cứu, lắp đặt hệ thống giám sát tại các bến xe và một số điểm trọng yếu trên tuyến để phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm, nhất là "xe dù", xe chạy vượt tuyến, xe chạy sai hành trình, đón, trả khách sai quy định và các hành vi vi phạm khác.
Đối với các doanh nghiệp có nhiều vi phạm trong quản lý vận tải, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự thì thực hiện các hình thức xử lý như: Đình chỉ khai thác tuyến, đình chỉ hoạt động có thời hạn, thu hồi biển hiệu, phù hiệu hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh theo quy định của pháp luật về kinh doanh vận tải.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần thông báo cụ thể danh sách xe, lịch trình, tuyến đường hoạt động cho lực lượng Cảnh sát giao thông để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.
Video: Mục sở thị xe khách ‘đầu gấu’ tuyến Thái Bình – Hà Nội lộng hành
Bình luận