• Zalo

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu

Tin nóngThứ Ba, 04/07/2023 20:10:03 +07:00Google News
(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu, đồng thời triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII.

Ngày 4/7, phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong bối cảnh thời gian tới khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nhiệm vụ đặt ra là hết sức nặng nề, cần phải nắm chắc tình hình.

Thủ tướng yêu cầu đặc biệt quan tâm công tác phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách kịp thời, sát thực tiễn, hiệu quả, đồng thời chuẩn bị kỹ các phương án, giải pháp ứng phó, không để bị động, bất ngờ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng quán triệt tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật.

Về phía Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII; kiên quyết không để thiếu điện, xăng dầu. Bên cạnh đó, tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng thị trường xuất khẩu; thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.

Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Nhà nước thực hiện ngay các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay (xem xét cả đối với các khoản vay mới và đang còn dư nợ); tăng tín dụng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Cùng đó, tập trung xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, chú trọng xử lý nợ xấu; thực hiện hiệu quả các gói tín dụng chính sách 40 nghìn tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%) và 120.000 tỷ đồng (cho vay nhà ở xã hội).

Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu tăng thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng với quy mô khoảng 4-5% GDP trong những năm tới, nhưng không ảnh hưởng đến trần nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, nợ quốc gia; vấn đề là phải sử dụng vốn có hiệu quả); đồng thời hoàn thiện phương án, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền về thuế tối thiểu toàn cầu.

Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; chương trình xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội; cùng Bộ Công an, các bộ, ngành, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy chữa cháy.

Bộ Giao thông Vận tải được giao triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc, chọn được nhà thầu xây dựng sân bay Long Thành; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, các thủ tục hành chính; khẩn trương xử lý các kiến nghị, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp về đất đai, môi trường; tăng cường dự báo, cảnh báo thiên tai, biến đổi khí hậu. Xử lý dứt điểm về nguyên vật liệu cho xây dựng hạ tầng giao thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; có giải pháp hiệu quả bảo vệ trẻ em trước tình trạng xâm hại, bạo lực, ma túy học đường, thương tích, đuối nước trong mùa hè; tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa.

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội tháng 6, quý II và 6 tháng năm 2023, Thủ tướng ghi nhận xu hướng phát triển tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm.

Đề cập quan điểm chỉ đạo điều hành trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, với mức tăng trưởng khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5%.

Theo lãnh đạo Chính phủ, do dư địa chính sách còn khá lớn (lạm phát giảm dần còn 3,29%; nợ công 38%, nợ Chính phủ 34,7% GDP, bội chi ngân sách nhà nước trong vòng kiểm soát), việc ưu tiên hơn cho mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng là phù hợp, cần thiết lúc này.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây cũng là điểm mạnh của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới còn ít hoặc khó khăn cho dư địa chính sách.

Trong chỉ đạo điều hành, Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm cân bằng hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu; chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa; theo dõi sát và nắm chắc tình hình bên trong và bên ngoài.

Về định hướng chính sách, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; chú trọng nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp các chính sách. 

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn