Đại biểu Cầm Thị Mẫn (đoàn Thanh Hoá) nêu, thời gian gần đây xảy ra một số vụ việc cháy, nổ nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và của, điển hình như vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội khiến 56 người chết.
Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết thời gian tới cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp như nào để chấn chỉnh tình trạng này?
Trả lời đại biểu, người đứng đầu Chính phủ cho hay, thời gian qua xảy ra nhiều vụ cháy nổ rất thương tâm, từ cháy quán karaoke cho đến cháy chung cư mini. Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan đã có hành động để góp phần phòng chống, ngăn chặn. Đầu năm, Thủ tướng đã ban hành chỉ thị để triển khai.
Để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy trong thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, cần làm tốt công tác tuyên truyền.
"Nâng cao ý thức của người dân là rất quan trọng. Trong đó, thứ nhất người dân phải hiểu biết để tham gia phòng, chống cháy nổ. Thứ hai, phải có kỹ năng, bao gồm kỹ năng phòng và kỹ năng chống", Thủ tướng nhấn mạnh.
Giải pháp nữa được Thủ tướng đặc biệt lưu ý là tập trung lãnh đạo chỉ đạo ở cấp ủy.
"Chính phủ đã họp, đánh giá và thấy chỗ nào cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến tận người dân thì chỗ đó tốt", Thủ tướng nói và cho rằng cần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ đưa ra giải pháp đầu tư cơ sở vật chất cho công tác phòng cháy chữa cháy, trong đó phải thực hiện tốt quy hoạch giao thông, hệ thống nước phòng cháy chữa cháy…
Đồng thời, theo Thủ tướng, cần huy động sự tham gia của người dân, các tổ chức xã hội vào công tác phòng cháy, chữa cháy. Đặc biệt, cần hiện đại hóa lực lượng nòng cốt về phòng cháy chữa cháy…
Trước đó, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương tổ chức hội nghị về giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong công tác thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy đối với 17 địa phương trọng điểm.
Bộ Công an cũng chỉ đạo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ để công an các đơn vị địa phương thực hiện thống nhất.
Theo Đại tướng Tô Lâm, đến nay, công an các địa phương đã rà soát lại tất cả cơ sở kinh doanh còn vướng mắc và trực tiếp làm việc, hướng dẫn các giải pháp phòng cháy chữa cháy, thành lập các tổ công tác đến 100% cơ sở còn tồn tại vi phạm để hướng dẫn khắc phục.
Trên cơ sở khó khăn vướng mắc, tính đến ngày 30/10, 100% dự án xây dựng mới, tương đương 1.853 cơ sở xây dựng mới có khó khăn vướng mắc đã được hướng dẫn tiếp thu, chỉnh sửa, không còn vướng mắc trong quá trình hồ sơ để thẩm duyệt và nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy trong đó bao gồm cơ sở có vướng mắc trong sử dụng sơn phòng cháy chữa cháy.
Đối với cơ sở hiện hữu tồn tại vi phạm về phòng cháy chữa cháy, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, công an địa phương đã rà soát, nghiên cứu, đề ra các giải pháp, trong đó tổ chức hơn 2.590 hội nghị đối thoại với đơn vị, người dân để tìm cách khắc phục với các vi phạm cụ thể.
"Cho đến nay, có 15.536/38.140 cơ sở đã khắc phục tồn tại vi phạm phòng cháy chữa cháy, đạt khoảng 40%", Bộ trưởng Công an nêu.
Bình luận