• Zalo

Thủ tướng: Cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam

Thời sựThứ Hai, 24/06/2019 21:24:00 +07:00Google News

Thủ tướng cho rằng cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam và chuyển sang một phương thức làm việc mới.

Phát biểu tại lễ khai trương Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) sáng nay (24/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử. Cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam và chuyển sang một phương thức làm việc mới. 

Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của hệ thống là giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc của mình. 

thu_tuong_2_ifeq (2)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các vị lãnh đạo khai trương e-Cabinet. 

Thủ tướng nhấn mạnh, "chuyển sang sử dụng e-Cabinet, dù việc thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại, nhưng đây là việc phải làm” để chuẩn hóa môi trường làm việc.

“Chuyển sang một phương thức làm việc mới thì bao giờ cũng có nhiều điểm bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn, những gì chúng ta đã làm quen bấy lâu rồi giờ thay đổi sẽ mất thời gian để làm quen và cần phải cập nhật, đào tạo lại. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, không ngoại trừ quốc gia nào. Chúng ta muốn xây dựng thành công nền kinh tế số và xã hội số thì trước tiên chúng ta phải có Chính phủ số mà khởi đầu là e-Cabinet ngày hôm nay khai trương”, Thủ tướng nói.

Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, bao gồm học hỏi, nghiên cứu kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước, vận động hệ thống các công ty công nghệ, các cơ quan có liên quan giúp cho Chính phủ xây dựng Chính phủ điện tử. 

Ghi nhận nỗ lực của Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan, Thủ tướng cho rằng, không phải chúng ta đã hoàn thiện mà đây chỉ là bước thí điểm ban đầu quan trọng. E-Cabinet là một phương thức làm việc mới ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, ở rất nhiều quốc gia đã phát triển hệ thống này từ lâu và rất thành công trong xây dựng Chính phủ điện tử. Việt Nam phải rút ra kinh nghiệm thành công và không thành công từ các chính phủ để làm tốt hơn việc sử dụng hệ thống e-Cabinet tại Việt Nam. 

Trên thực tế, lợi ích của e-Cabinet không chỉ dừng lại ở tiết kiệm thời gian, họp hành mà là yêu cầu nội dung công việc phải được chuẩn bị tốt hơn cả về chất lượng và thời hạn để các thành viên tham dự có thể nghiên cứu trước và cho ý kiến.

“Tôi muốn nói tới công tác chuẩn bị trước đó để sử dụng e-Cabinet này phải chặt chẽ hơn, tốt hơn. Vì thường chúng ta đều biết Chính phủ quyết định những vấn đề quan trọng đặc biệt là việc xây dựng thể chế pháp luật phục vụ cho phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

thu_tuong_1_mtsy

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam 

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị cần có khung cơ sở pháp lý để e-Cabinet hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Vấn đề chính ở đây là quy định về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ dữ liệu, xác thực điện tử, chế độ báo cáo giữa các cơ quan hành chính của Chính phủ, của Nhà nước.

Theo Thủ tướng, phát triển hệ thống phần mềm phù hợp với nội dung hoạt động, điều kiện, đặc điểm của Chính phủ Việt Nam, cần có e-Cabinet mang bản sắc Việt Nam, chứ không nên áp dụng máy móc mô hình của nước ngoài. Ví dụ, biểu quyết qua e-Cabinet có thể vắng mặt nhưng “chúng ta không khuyến khích sự vắng mặt”. 

Thủ tướng nêu rõ, các thành viên Chính phủ cần quán triệt tinh thần tiên phong, quyết liệt nhập cuộc, đổi mới mạnh mẽ, nắm vững các thao tác để sử dụng thành thạo hệ thống này. Việc vận hành tích cực, có hiệu quả hệ thống này sẽ giúp cho Chính phủ sớm đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa sử dụng văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ. 

Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh hệ thống trong thời gian tới, đặc biệt lưu ý phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh mạng, an ninh hệ thống, không để xảy ra sự cố lộ lọt thông tin, dữ liệu. 

Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, kiến nghị sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan phù hợp vối phương thức làm việc trên môi trường điện tử, trên không gian mạng; đồng thời với hệ thống e-Cabinet, cần ưu tiên tập trung rà soát, nâng cấp, hoàn chỉnh phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trong nội bộ hiện nay. 

Sau thời gian sử dụng thử nghiệm hệ thống e-Cabinet, Thủ tướng yêu cầu tiến hành đánh giá toàn diện hệ thống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Các Bộ, các tỉnh, thành phố phải nghiên cứu áp dụng mạnh mẽ hơn ở ngành, địa phương mình hệ thống công nghệ thông tin phổ cập hiện nay để hạn chế tối đa sự chậm trễ, hạn chế sự tiếp xúc giữa các cá nhân, cơ quan đơn vị với người, đơn vị giải quyết công việc, đẩy mạnh thanh toán điện tử, xây dựng ngay cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, là những việc tiếp tục triển khai trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Vũ Dũng/VOV
Bình luận
vtcnews.vn