Ngày 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM 2017) đã chính thức khai mạc tại TP. Hội An, Quảng Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và có phát biểu quan trọng.
Tham dự hội nghị còn có Trưởng đoàn và đại biểu cấp cao đại diện của 21 nền kinh tế thành viên APEC và các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WBG), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD); lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Chủ UBND thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam...
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng chào đón các Bộ trưởng, Trưởng đoàn và các đại biểu tham dự Hội nghị và các sự kiện quan trọng có liên quan tại Quảng Nam, địa danh có 2 di sản văn hóa nổi tiếng được UNESCO công nhận là phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn.
Thủ tướng nhìn nhận, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi, thương mại, đầu tư, tài chính toàn cầu tiếp tục được cải thiện. Khu vực APEC với những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và nhiều nền kinh tế phát triển năng động tiếp tục là động lực quan trọng của tăng trưởng toàn cầu.
Mặc dù vậy, APEC vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tốc độ tăng trưởng và năng suất ở một số nền kinh tế còn thấp. ADB đã dự báo tăng trưởng thương mại khu vực có dấu hiệu chững lại, xu hướng bảo hộ, các biện pháp phi thuế có chiều hướng gia tăng... Thêm vào đó, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vừa là cơ hội nhưng cũng vừa là thách thức đối với tất cả chúng ta.
“Thực tiễn cho thấy, không phải mọi thành viên trong xã hội đều được hưởng lợi từ quá trình toàn cầu hoá, tự do hóa thương mại và đầu tư. Biến đổi khí hậu đang gây ra nhiều tác động bất lợi đến phát triển của các nền kinh tế. Khu vực chúng ta đang tồn tại một số điểm nóng đe dọa môi trường hòa bình, an ninh, ổn định cho phát triển.
Những khó khăn, thách thức là rất lớn, trong khi các nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính của chúng ta còn hạn hẹp. Đòi hỏi sự chung tay của chúng ta vừa nỗ lực gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định vừa chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác sáng tạo, hiệu quả để cùng phát triển thịnh vượng, bền vững. Thời gian qua, các Bộ trưởng Tài chính APEC đã hợp tác tích cực hướng tới các mục tiêu về đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo và bao trùm, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa…”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ thêm, trong 30 năm thực hiện Đổi mới, từ một nước nghèo, kém phát triển, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên và từ 2010 (theo WB) đã thuộc Nhóm nền kinh tế đang phát triển có thu nhập trung bình. Năm 2016 GDP đạt 6,21%, nhưng đến năm 2017, GDP tăng lên mức cao là 6,7%; lạm phát giữ ở mức ổn định dưới 5%, thâm hụt ngân sách dưới 4%, nợ công trong giới hạn cho phép (65% GDP); xuất khẩu đạt trên 200 tỷ USD, tăng 15%, giải ngân đầu tư nước ngoài ước đạt 15 tỷ USD tăng 18%. Hết quý 3/2017, thị trường chứng khoán vượt 800 điểm, cao nhất kể từ năm 2008. Mức vốn hóa thị trường vốn đạt 93% GDP. Giai đoạn 2016-2020, phấn đấu GDP tăng trung bình 6,5%-7%/năm.
Video: Choáng ngợp dàn Audi phục vụ APEC 2017
“Đạt được kết quả tích cực này, có sự góp phần quan trọng của khu vực tài chính công với sự tăng cường các nguồn thu ổn định và hiệu quả, cũng như phát triển thị trường tài chính. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ Việt Nam trên tinh thần kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục Đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tài chính, theo hướng nâng cao hiệu quả, chất lượng và sức cạnh tranh, tăng trưởng bền vững, bao trùm”, Thủ tướng nói.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các nền kinh tế APEC cần chung tay, hợp tác sáng tạo hiệu quả để cùng phát triển thịnh vượng và bền vững.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ chia sẻ kinh nghiệm và nhận định về tình hình kinh tế tài chính toàn cầu và khu vực, thảo luận về các kết quả hợp tác trong 4 chủ đề ưu tiên trong khuôn khổ Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC 2017, đó là: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận, và Tài chính bao trùm. Đồng thời, tiếp tục thảo luận tình hình triển khai Kế hoạch Hành động Xê-bu và sẽ có buổi trao đổi với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC cùng đại diện lãnh đạo các tập đoàn và doanh nghiệp khu vực về toàn cầu hoá, phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ tài chính.
“Các vấn đề thảo luận tại hội nghị hôm nay đều là những thách thức quan trọng trong khu vực, đòi hỏi nỗ lực hợp tác của tất cả các nền kinh tế thành viên APEC, nhằm tìm kiếm và chia sẻ các giải pháp, kinh nghiệm tốt, giúp các nền kinh tế thành viên, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển, ứng phó một cách có hiệu quả với những khó khăn thách thức của mình, đồng thời góp phần vào sự phát triển chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tôi cũng đề nghị các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Tiến trình Bộ trưởng Tài chính nhằm giải quyết các thách thức chung trong khu vực”, Bộ trưởng Dũng chia sẻ.
Bình luận