Theo UBND TP.HCM, năm 2021 và những tháng đầu năm 2022, thành phố đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt sau 3 ngày thành phố triển khai mô hình thí điểm dịch vụ công trực tuyến tại Quận Bình Thạnh bước đầu thành công.
Ghi nhận tại điểm dịch vụ công trực tuyến phường 22, Quận Bình Thạnh, hiện có 21/25 dịch vụ công trực tuyến đã đưa vào sử dụng thay cho các thủ tục thủ công.
Việc này giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức; đồng thời nâng cao tính bảo mật, lưu trữ thông tin, truy cập dữ liệu nhanh chóng và đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Cường - Bí Thư chi bộ, Trưởng khu phố 6, phường 22, Quận Bình Thạnh - cho biết, công an đã hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết việc thao tác trên các thiết bị công nghệ với người lớn tuổi khi thực hiện thủ tục, thay vì phải kê khai giấy như trước đây.
“Bản thân tôi trực tiếp làm, cập nhật thông tin, tạo tài khoản, đăng ký thành công rồi. Nếu như có dịch vụ gì trong 25 dịch vụ tiện ích, tôi có thể bắt đầu tự làm ở nhà được rồi”, ông Cường nói.
Thế nhưng, nhìn chung đa số các địa phương tại TPHCM, người dân và doanh nghiệp vẫn còn phàn nàn về thủ tục phiền hà, gây nhiều khó khăn.
Anh Nguyễn Tân - ngụ Phường Linh Trung, TP Thủ Đức - bức xúc khi một năm trời phải tới lui Phường Linh Đông xin gia hạn giấy tạm trú nhưng đến nay vẫn chưa được xác nhận. Nguyên nhân được cán bộ phường giải thích do dịch Covid-19 thời gian làm việc bị ảnh hưởng, thiếu nhân sự tại phường dẫn đến tồn đọng hồ sơ; thậm chí hệ thống dịch vụ công trực tuyến gặp khó hoặc không thể nhập, truy cập dữ liệu.
“Tôi cũng nghe nói là làm hồ sơ điện tử được, bỏ hồ sơ giấy rồi nhưng mà lên trên hệ thống online của phường thì không làm được. Nên muốn kiểm tra thì lên hệ thống công quốc gia làm nhưng vẫn không đăng ký được. Hệ thống cứ báo sai số trong khi mọi thông tin đều đúng hết mà cứ báo không đăng ký được tài khoản để làm. Gần nhất tôi có liên hệ lại các bộ phường để làm. Cán bộ cũng than phiền là thiếu nhân lực, rồi hệ thống điện tử cũng không làm được cho dân. Nên cán bộ đó cũng bức xúc chứ không chỉ có người dân”, anh Tân cho biết.
Cùng câu chuyện với anh Tân, anh Đỗ Văn Tuấn - ngụ phường 12, Quận Tân Bình - cũng than thở, một tháng qua vẫn chưa có giấy xác nhận tạm trú để đăng ký cho con nhập học vào lớp 1, trong khi phải xin nhà trường gia hạn để bổ sung hồ sơ sau đó.
“Vừa rồi tôi đăng ký tạm trú tạm vắng cho con tôi đi học, chỉ xác nhận thôi nhưng khi ra công an khu vực phường tôi ở làm rất là chậm trễ lề mề, cả tháng sau chưa có giấy xác nhận nơi cư trú. Nào là đòi sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, thông tin cư trú, các loại giấy tờ nhưng tới giờ chưa được. Bây giờ chuẩn bị chuyển sang làm cổng thông tin điện tử nữa. Làm cho người dân vướng mắc nhiều thủ tục, gây mệt mỏi, lo lắng trong khi bỏ công ăn việc làm thời gian”, anh Tuấn nói.
Theo Cục Kiểm soát hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ mới đây, TP.HCM có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với cổng thông tin quốc gia. Số lượng này rất ít, đơn lẻ và không liên thông, liên kết giữa các cơ quan, dẫn đến thủ tục hành chính chưa rút ngắn thời gian.
Ông Nguyễn Duy Hoàng - Phó Cục trưởng Cục kiểm soát hành chính - cho biết, thành phố phải mất trung bình 28 ngày để thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, thuế, do các thủ tục còn rườm rà, kéo dài thời gian gây phiền hà đến doanh nghiệp và người dân.
“Về cơ bản các địa phương đều làm được, còn TP.HCM chưa làm được việc này. Trung bình thực hiện thủ tục chúng ta mất 28 ngày, trong khi đó các địa phương xây dựng dịch vụ công trực tuyến và có sự kết nối liên thông cho việc thanh toán trực tuyến về nghĩa vụ tài chính thì người dân chỉ mất 30 phút cho đến 1 tiếng. Có nghĩa là chúng ta quá chậm so với các địa phương khác”, ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Nguyễn Duy Hoàng, tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn của thành phố còn khá nhiều. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng trên cổng dịch vụ công chỉ có 11.000 hồ sơ nhập vào, đạt 63% hồ sơ đúng hạn. Nguyên nhân là do việc hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố làm rất chậm và manh mún.
Với kết quả cải cách hành chính năm 2021 của Thành phố giảm 20 bậc, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - đề nghị, các địa phương cần nhìn thẳng vào những mặt được và chưa được, để nỗ lực đạt những kết quả tốt hơn.
“Đề nghị thủ trưởng các cơ quan thành phố quận huyện cho đến chủ tịch phường xã, chúng ta hết sức tập trung để triển khai nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp để cải thiện chỉ số góp phần thực hiện tốt cải cách hành chính”.
Ngoài ra, ông Phan Văn Mãi còn yêu cầu thủ trưởng các cấp cần tổ chức gặp gỡ đối thoại với người dân. Các Sở ngành rà soát đánh giá những bất cập để đề xuất giải pháp cải thiện các chỉ số cải cách hành chính.
Đồng thời, Thành phố cần đảm bảo đến tháng 10 năm nay, ra mắt cổng dịch vụ công của thành phố kết nối với cổng dịch vụ công Quốc gia; triển khai đồng bộ hơn các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4; hướng dẫn người dân và doanh nghiệp biết và sử dụng có tỷ lệ cao.
Tụt 20 hạng về chỉ số cải cách hành chính, đây là một nghịch lý đối với đô thị lớn, đi đầu cả nước trong nhiều lĩnh vực như TP.HCM. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến được cho là cần thiết, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Thời gian qua, nhiều mô hình cách làm mới trong cải cách hành chính đã được chính quyền TP.HCM triển khai và hầu hết nhận được sự ủng hộ của người dân. Đó là cây ATM nhận trả hồ sơ tự động; giải quyết hồ sơ trong ngày; ứng dụng xử lý hành chính công; hoặc mới đây là chủ trương để các địa phương “chỉ trích nhau” để tìm ra những tồn tại, bất cập trong quá trình xử lý các thủ tục hành chính…
Tuy vậy, việc phải đứng ở top 20 tỉnh thành xếp hạng cuối cùng về cải cách hành chính hay top 15 địa phương cuối bảng về chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công năm 2021 cho thấy TPHCM đang còn quá nhiều việc phải làm.
Không biết đã có bao nhiêu hội nghị, hội thảo được tổ chức để tìm cách nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính. Càng không thể thống kê đầy đủ được số lượng các Nghị quyết, quyết định đã được cấp cấp các ngành ban hành để làm sao cải thiện cho được chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch với các cơ quan công quyền.
Ấy thế mà mọi thứ dường như “vẫn đang ở vạch xuất phát” và TP.HCM vẫn đang khiến không ít người dân, doanh nghiệp phải “phật lòng”.
Rất nhiều người dân tại TP.HCM đang hàng ngày phải loay hoay với các thủ tục, giấy tờ hành chính cơ bản như thủ tục tạm trú tạm vắng, căn cước công dân gắn chip, hộ chiếu mẫu mới cho đến các loại giấy tờ phức tạp như hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân…
Nan giải hơn, hàng tá doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau, cả trong lẫn ngoài nước không hẹn mà gặp đều cùng chung 1 điệp khúc “bị hành là chính” khi tiến hành các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Có lạc quan đến mấy cũng không thể “cảm thấy dễ chịu” với sự nghịch lý đang diễn ra với TP.HCM. Dù được xem là đầu tàu kinh tế đất nước, là trung tâm tài chính quốc tế hay là đầu mối trung chuyển sầm uất trong khu vực nhưng lại quá lề mề, chậm chạp trong xử lý các vấn đề mang tính “cơ bản”.
Không quá phức tạp để chỉ ra đâu là việc mà TP.HCM nên làm, cần làm để cải thiện năng lực giải quyết thủ tục hành chính, bởi đã quá sẵn những “chương trình hành động” với rất nhiều đầu việc cụ thể đã được nêu ra.
Điều quan trọng nhất theo chúng tôi là một sự thay đổi toàn diện trong cả hệ thống quản trị hành chính của thành phố. Trong đó, sự thay đổi mang tính quyết định nhất có lẽ là dừng ngay những khẩu hiệu hô hào hình hức mà bắt tay ngay vào giải quyết những công việc cụ thể.
Bắt đầu lại lúc này có thể là muộn, nhưng còn hơn là không bao giờ!
Bình luận