• Zalo

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn: Thông tin tham nhũng phải khách quan, trung thực

Thời sựThứ Ba, 23/12/2014 10:44:00 +07:00Google News

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng báo chí không được kết tội người khác, hết sức thận trọng khi đặt vấn đề với thông tin võ đoán

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng báo chí không được kết tội người khác, hết sức thận trọng khi đặt vấn đề với thông tin võ đoán, làm xáo trộn dư luận.

Xung quanh những ý kiến khác nhau về việc báo chí tập trung điều tra tài sản, đặc biệt là nhà, đất của các cán bộ lãnh đạo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn đã dành cho PV cuộc trả lời phỏng vấn.

Ông Trương Minh Tuấn - Ảnh: Nguyễn Khánh 

- Thưa thứ trưởng, thời gian gần đây hàng loạt cán bộ lãnh đạo cao cấp của trung ương và các địa phương đã nghỉ hưu bị báo chí điều tra về tài sản, chủ yếu là bất động sản. Ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?

Báo chí là một trong những kênh thông tin quan trọng, vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng được quy định tại Luật phòng chống tham nhũng, Luật báo chí, các nghị định của Chính phủ.

Nghị định 47/2007/NĐ-CP có hẳn một chương quy định về vai trò của báo chí trong công tác phòng chống tham nhũng.

Chúng tôi hoan nghênh các cơ quan báo chí phát huy vai trò của mình, kịp thời phát hiện, thu thập, cung cấp thông tin về những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.

Tuy nhiên, việc báo chí đưa tin về phòng chống tham nhũng cần lưu ý phải đảm bảo khách quan, trung thực và đúng theo quy định của pháp luật, đồng thời nâng cao trách nhiệm đối với xã hội.

- Trong những vụ việc như vụ bất động sản của ông Trần Văn Truyền và một số lãnh đạo địa phương khác, các cơ quan báo chí đã đi trước những cơ quan chức năng. Như vậy báo chí đã tiên phong và rất có ý thức trách nhiệm đối với xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng?

Cơ quan báo chí, nhà báo có quyền đưa tin phản ánh về vụ việc tham nhũng và hoạt động phòng chống tham nhũng. Tổng biên tập, nhà báo chịu trách nhiệm về việc đưa tin và chấp hành pháp luật về báo chí, đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động báo chí.

Dưới góc độ nghề nghiệp, từ việc nêu thông tin về tài sản cá nhân trên báo đến việc chứng minh tài sản đó có liên quan đến tham nhũng chỉ riêng báo chí không thể làm được.

Theo tôi, báo chí không được thay các cơ quan tố tụng kết tội người khác nên phải hết sức thận trọng khi đặt vấn đề với thông tin võ đoán, làm xáo trộn dư luận.

Những vụ việc cụ thể về tài sản cá nhân của một số lãnh đạo, tôi thấy báo chí chỉ đủ chứng cứ về việc cá nhân họ được cấp quyền sử dụng đất trái quy định, xây dựng trái phép... nhưng dư luận lại đặt vấn đề về tham nhũng.

Trước mắt, báo chí nên tiên phong phát hiện thông tin, phát hiện những kẽ hở của pháp luật, góp ý xây dựng một nền tảng luật pháp hoàn chỉnh trong công tác phòng chống tham nhũng hơn là sa đà vào những vụ việc cụ thể của một vài cá nhân vì bản thân thông tin báo chí cũng có vấn đề.

- Thưa ông, báo chí phải đi vào những vụ việc cụ thể như những dẫn chứng thực tế mới thật sự cùng góp tiếng nói từ cuộc sống cho việc thực hiện chủ trương, chính sách phòng chống tham nhũng?

Những trường hợp cụ thể đó phải có căn cứ rõ ràng, được điều tra chặt chẽ, đúng quy trình pháp luật, tránh đặt nghi vấn và mơ hồ. Thông tin nửa vời, điều tra nửa vời nhắm đến một vài cá nhân nào đó sẽ rất nguy hiểm vì làm xáo trộn dư luận, lòng dân phân tán.

- Nhiều vị lãnh đạo phát biểu rằng không có vùng cấm đối với cơ quan báo chí, nhưng vừa qua các cơ quan báo chí dường như chỉ đưa tin tức về tài sản hoặc sai phạm của các lãnh đạo đã nghỉ hưu. Theo ông, như vậy có bất thường không?

Tôi khẳng định đó là hiện tượng bình thường vì quyền hạn của cơ quan báo chí, nhà báo đã được quy định rõ trong luật.

Thông tin trên báo chí chỉ bất thường khi nhà báo đưa tin không có căn cứ rõ ràng; sai sự thật; phương hại đến lợi ích quốc gia; lợi ích của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân; tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại...

Tổng biên tập các cơ quan báo chí phải hết sức cẩn trọng với tình trạng lợi dụng việc thông tin về tài sản của lãnh đạo với mục đích cá nhân nhằm triệt hạ uy tín, gây mất đoàn kết nội bộ, kích động dư luận bất bình về khoảng cách giàu nghèo...

Việc nêu thông tin tài sản cá nhân trên mặt báo và đặt nghi vấn tham nhũng cho dư luận “ném đá” trên mạng không kiểm soát rất dễ làm hỗn loạn thông tin, tạo cơ hội cho những ý đồ xấu cũng cần phải được lưu ý.

- Nhưng lằn ranh giữa thông tin trung thực và việc bị lợi dụng sẽ rất khó xác định, tại sao ông A bị nêu nhưng ông B không bị nêu? Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí có trách nhiệm làm rõ những động cơ, hành vi ngụy tạo thông tin vi phạm pháp luật.

Vấn đề minh bạch tài sản, thu nhập cá nhân ngoài các cơ quan của Chính phủ, ủy ban kiểm tra của cấp ủy Đảng các cấp, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, Ban Nội chính... là các cơ quan có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra.

Cá nhân sai phạm sẽ có các cơ quan kết luận và xử lý theo đúng luật như trường hợp nguyên tổng thanh tra Trần Văn Truyền.

Những trường hợp cơ quan báo chí có đầy đủ chứng cứ về tham nhũng có thể cung cấp cho các cơ quan chức năng theo quy định hoặc nêu thông tin trên báo nhưng phải đảm bảo khách quan, trung thực.

Theo TTO
Bình luận
vtcnews.vn