Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói về cước 3G, tái cơ cấu VNPT

Kinh tếChủ Nhật, 02/02/2014 05:20:00 +07:00

(VTC News) - Nhân dịp đầu xuân, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nói về những kết quả nổi bật của ngành viễn thông trong 2013 cũng như định hướng một số mảng quan trọng tại 2014. 

- Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật trong các lĩnh vực do mình phụ trách ở năm 2013 vừa qua?

Trong năm 2013, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng các lĩnh vực như viễn thông, tần số, Internet, truyền dẫn phát sóng, công tác phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai đã đạt được một số kết quả đáng chú ý.

Về lĩnh vực viễn thông, Internet: Trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn hành lang pháp lý quản lý nhà nước về viễn thông, Internet song song với tăng cường công tác thực thi quản lý thị trường viễn thông.

thu truong

 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được hoàn thiện trong năm 2013 như: Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên mạng; Thông tư liên tịch số 210/TTLT-BTC-BXD-BTTTT hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung; Thông tư số 08/2013/TT-BTTTT ngày 26/3/2013 nhằm tăng cường quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông...
Trong công tác quản lý nhà nước, năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường viễn thông đi vào chiều sâu, đảm bảo tính ổn định, bền vững của thị trường.

Công tác quản lý giá cước dịch vụ viễn thông được tăng cường, đảm bảo giá cước dịch vụ ngày càng bám sát, phản ánh thực chất quy luật thị trường.

Trong lĩnh vực Internet, năm 2013 cũng là năm kết thúc giai đoạn 1 của Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6 (Giai đoạn chuẩn bị) để chuyển sang giai đoạn 2 - Giai đoạn khởi động của Kế hoạch hành động.

Trong lĩnh vực tần số vô tuyến điện, hành lang pháp lý quản lý tần số vô tuyến điện tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện. Nổi bật nhất là việc Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21/11/2013 ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia.

Về lĩnh vực truyền dẫn phát sóng, trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban chỉ đạo số hóa truyền hình tại Việt Nam đã triển khai một số nhiệm vụ quan trọng được giao theo Quyết định 2451/QĐ-TTg ngày 27/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát dóng truyền hình mặt đất đến năm 2020.

Về công tác phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN), giảm nhẹ thiên tai, Ban chỉ huy PCLB&TKCN Bộ đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các doanh nghiệp trong việc tổ chức thông tin phục vụ công tác PCLB&TKCN, giữ vững và đảm bảo an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai từ Trung ương đến tỉnh, huyện và địa bàn trọng điểm thiên tai.
Cũng trong năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức thành công chiến dịch nhắn tin “Kết nối Biển Đông” qua Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) nhằm mục đích vận động, quyên góp ủng hộ ngư dân thiết bị thông tin liên lạc phục vụ phòng chống thiên tai và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

- Việc các nhà mạng đồng loạt tăng giá cước 3G hồi tháng 10/2013 đã gây một số bức xúc trong dư luận. Nhiều ý kiến cho rằng trước khi tăng giá nhà mạng cần cải thiện chất lượng của dịch vụ này trước đã. Quan điểm của Thứ trưởng ra sao về vấn đề này?

Trước hết, cần khẳng định rằng, đợt điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G vừa qua là cần thiết, đúng theo quy định của pháp luật, phù hợp với chủ trương, định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến 2020 nhằm duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông.
 
Chúng ta biết rằng, để cải thiện chất lượng dịch vụ thì doanh nghiệp cần có nguồn lực để thực hiện đầu tư mở rộng mạng lưới. Đối với dịch vụ 3G, thời gian qua các doanh nghiệp đã đầu tư lớn. Tính đến quý II/2012, các doanh nghiệp đã đầu tư 27.779 tỷ đồng để triển khai mạng thông tin di động băng rộng công nghệ HSPA (3,5G) với 40.000 trạm phát sóng trên phạm vi cả nước.

Những năm đầu cung cấp dịch vụ, để thu hút khách hàng, nhà mạng đã cung cấp dịch vụ với giá cước thấp hơn rất nhiều so với giá thành. Tuy nhiên sau hơn 04 năm triển khai số thuê bao phát triển mạnh mẽ. Đến tháng 9/2013, tổng số thuê bao 3G đạt 18,9 triệu thuê bao, chiếm 20,7% tổng số thuê bao di động phát sinh cước, vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ với chất lượng đảm bảo của mạng lưới. Tại một số khu vực, ở những thời điểm nhất định đã xảy ra tình trạng nghẽn mạng hoặc không bảo đảm chất lượng như doanh nghiệp đã cam kết.

Trong khi đó, doanh thu từ dịch vụ 3G mới chiếm khoảng 6% trong tổng số doanh thu dịch vụ thông tin di động và do đó hạn chế nguồn lực để thực hiện tái đầu tư mở rộng mạng lưới. Vì vậy để có thể tái đầu tư mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng dịch vụ thì việc từng bước điều chỉnh giá cước dịch vụ dữ liệu 3G đến giá thành là cần thiết.

Về vấn đề bảo đảm chất lượng dịch vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định năm 2014 sẽ là Năm chất lượng dịch vụ viễn thông với việc tăng cường, thắt chặt công tác quản lý chất lượng dịch vụ viễn thông. Bộ sẽ sớm hoàn thiện, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truy nhập Internet trên mạng di động song song với đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ.

Doanh nghiệp nào không đảm bảo chất lượng dịch vụ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ công khai thông tin để người sử dụng dịch vụ biết và lựa chọn nhà mạng phù hợp với nhu cầu sử dụng.

- Thưa Thứ trưởng, liệu trong năm 2014 có còn đợt tăng giá cước dịch vụ 3G nào nữa không?

Việc các doanh nghiệp điều chỉnh (tăng hoặc giảm) giá cước viễn thông nói chung, giá cước dịch vụ dữ liệu 3G nói riêng là hoạt động bình thường của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật về Giá, đồng thời đảm bảo thực hiện chủ trương, định hướng chính sách về giá cước viễn thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Giá cước dịch vụ dữ liệu 3G của năm 2014 sẽ điều chỉnh tăng hay giảm phụ thuộc vào các thay đổi về giá thành, cung cầu của thị trường, tương quan giá cước giữa các dịch vụ liên quan trong nước khu vực và thế giới. Khi xem xét đề nghị điều chỉnh giá cước của doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cân nhắc mức độ điều chỉnh để không gây đột biến về mức chi trả, đảm bảo quyền lợi của khách hàng.

Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần cân nhắc mức độ sử dụng của mình để lựa chọn gói cước phù hợp.

- Năm 2013 đã đánh dấu sự bùng nổ của các ứng dụng OTT với rất nhiều tiện ích dành cho người dùng, Bộ TT&TT sẽ có định hướng gì cho dịch vụ này trong năm 2014?

Cuối năm 2013 trước tình hình kinh doanh dịch vụ viễn thông quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của các dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên Internet (dịch vụ OTT) đến hiệu quả kinh doanh dịch vụ viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị số 75/CT-BTTTT ngày 31/10/2013 về tăng cường quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông quốc tế.

Chỉ thị này đã đưa ra các chỉ đạo, định hướng chính sách đối với dịch vụ OTT tập trung nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế. Theo đó, doanh nghiệp viễn thông cần chủ động nghiên cứu và thử nghiệm các mô hình hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT, đề xuất giá cước dịch vụ truy nhập Internet trên di động và các gói cước áp dụng với dịch vụ OTT nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng, đảm bảo quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, cũng như của doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT.

Từ góc độ quản lý, chiếu theo định nghĩa về dịch vụ viễn thông trong Luật Viễn thông, các dịch vụ điện thoại, nhắn tin miễn phí trên Internet đều là những dịch vụ viễn thông. Vì vậy, chính sách quản lý đối với các dịch vụ OTT sẽ bám sát nguyên tắc hướng đến việc kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ OTT, trong đó các doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm trong quá trình cung cấp dịch vụ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng dịch vụ.

- Năm 2013 vừa qua đã đánh dấu sự tham gia thị trường truyền hình cáp của Viettel, FPT và sắp tới rất có thể là cả VNPT. Thứ trưởng đánh giá thế nào về thị trường này trong năm 2014?

Tính đến nay, trên thị trường dịch vụ truyền hình cáp đã có 07 doanh nghiệp được cấp giấy phép theo quy định trong Quyết định số 20/2011/QĐ-TTg ngày 24/3/2011 về Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền, bên cạnh đó là 26 đơn vị đang tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển đổi giấy phép.

Tong đó có những doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm với số lượng thuê bao lớn như: truyền hình cáp SCTV (Liên doanh VTV và Saigon Tourist), VTVcab (thuộc VTV), HTV-TMS (thuộc Đài TH TP HCM) với khoảng 04 triệu thuê bao truyền hình cáp, trong đó đa số là thuê bao truyền hình cáp tương tự (tỷ lệ khoảng 93%).

Ở năm 2013, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép cho 02 doanh nghiệp viễn thông lớn tham gia vào thị trường dịch vụ truyền hình cáp là Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự và số ngày 26/4/2013), Công ty cổ phần viễn thông FPT (được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số ngày 06/8/2013).

Sau khi được cấp giấy phép, các doanh nghiệp có thời gian 12 tháng chuẩn bị để chính thức cung cấp dịch vụ. Như vậy, đến thời điểm hiện nay, cả hai doanh nghiệp vẫn chưa chính thức cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số và tương tự ra thị trường.

Như chúng ta đã biết, cả Viettel và FPT đều đã thiết lập hệ thống kỹ thuật để cung cấp dịch vụ IPTV, đã có sẵn hệ thống thiết bị trung tâm thu phát, đây là một thuận lợi để sớm triển khai cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn cần thời gian để triển khai thiết lập mạng cáp đồng trục đến khách hàng đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ truyền hình cáp theo kế hoạch đầu tư 03 năm đã cam kết khi xin cấp phép thiết lập mạng.

Vì vậy trong trường hợp các doanh nghiệp bảo đảm kế hoạch chính thức cung cấp dịch vụ trong năm 2014 thì giai đoạn đầu, nhìn chung chưa có tác động mạnh đến thị trường truyền hình cáp.

- Việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT là một sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn đối với thị trường viễn thông Việt Nam. Xin Thứ trưởng cho biết đến khi nào thì việc tái cơ cấu sẽ hoàn thành và MobiFone hay VinaPhone sẽ tách ra khỏi VNPT?

Đầu tiên cần khẳng định việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT là một quá trình liên tục, kéo dài từ nhiều năm nay, được thực hiện một cách nhất quán, với mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn. Một phần trong hoạt động tái cơ cấu Tập đoàn VNPT là đã tiến hành quá trình tách mảng kinh doanh dịch vụ Bưu chính khỏi Tập đoàn và hoàn tất trong năm 2012

Căn cứ yêu cầu về việc đổi mới, đảm bảo hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015” và Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.

Căn cứ các quy định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 11/QĐ-BTTTT ngày 07/01/2013 về việc thành lập Ban chỉ đạo Đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2011 – 2015” trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam.

Sau một thời gian nghiên cứu, Đề án đã được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2013. Bộ cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải trình ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan vào tháng 12/2013. Hiện nay Đề án đã đi vào giai đoạn cuối, chờ các cơ quan tham mưu hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo nội dung Đề án Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ thì Công ty VMS (MobiFone) cùng với một số đơn vị khác sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT, hình thành Tổng công ty Thông tin di động - Mobifone và tiếp tục thực hiện cổ phần hóa theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 về việc phê duyệt danh sách các công ty cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết và đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán Việt Nam.

- Tết Nguyên Đán đã tới, Thứ trưởng có thông điệp và lời chúc gì với độc giả của VTC News nói riêng cũng như các đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông nói chung?

Năm 2013, trong điều kiện khó khăn, nhiều thách thức, song lĩnh vực viễn thông nói riêng, thông tin và truyền thông nói chung đã thu được nhiều thành quả tích cực, vừa hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao, đồng thời đóng góp hiệu quả vào nỗ lực phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để đạt được kết quả đó, bên cạnh sự quyết tâm, cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành, chúng tôi còn nhận được sự quan tâm, khích lệ của toàn xã hội.

Nhân dịp năm mới Giáp Ngọ 2014, thay mặt Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi xin gửi tới quý độc giả của VTC News cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành thông tin và truyền thông “Năm mới sức khoẻ, hạnh phúc và thành công”.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Bình luận
vtcnews.vn