Sáng 20/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc phiên họp thứ 7, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã băn khoăn về vấn đề định giá trị của các loại hàng cấm để làm căn cứ, định tội, định khung hình phạt khi xử lý hình sự đối tượng vi phạm.
Ông Bình dẫn chứng, sừng tê giác trong nhân dân coi là sản phẩm có giá trị rất cao, nhưng để xác định giá trị của sừng tê giác là việc rất khó.
"Ở nhiều nước trên thế giới, đối với sừng tê giác hay ngà voi cơ quan chức năng bắt được là nghiền tiêu hủy ngay. Đặt câu chuyện xác định trị giá thế nào, ngay cả đại diện của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ở đây cũng không xác định được giá trị những loại như vậy", ông Bình nói.
Cũng có cùng quan điểm này, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, sừng tê giác chỉ nên định lượng, còn nói về giá trị thì rất khó.
Hiện chưa có tài liệu nào khẳng định tác dụng của sừng tê giác. Giá trị của những mặt hàng này xuất phát từ hoạt động ngầm trên thị trường.
Ngoài ra, Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích thêm, không chỉ có sừng tê giác, ngà voi, khi xử lý hình sự hành vi buôn lậu thuốc lá hay các loại hàng giả khác cũng gặp khó khăn.
"Ví dụ như, chai rượu ngoại giả khi người bán lừa được người mua trên thị trường thì giá trị cao, nhưng chai rượu giả đó bị cơ quan chức năng bắt thì giá trị cũng bằng không. Đề nghị cơ quan soạn thảo và Chính phủ cần nghiên cứu thêm, tham khảo kinh nghiệm các nước, với các loại hàng cấm nếu yêu cầu định giá trị thì rất nhiều mâu thuẫn, khó khăn trong thực hiện", Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.
Video: Voi trong rạp xiếc giết chết một người đàn ông
Bên cạnh đó, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng cho rằng nhiều điều khoản trong dự thảo có mâu thuẫn với các điều khoản khác trong chính dự thảo này hoặc pháp luật khác.
Như việc liệt kê các dấu hiệu chuẩn bị phạm tội cũng tự mâu thuẫn với điều khoản khác ngay trong bộ Luật Hình sự.
“Gây thương tích 11-13% mới là phạm tội hình sự, trong khi mới tập hợp thông tin (chuẩn bị phạm tội) đã là phạm tội rồi.
Hoặc khi đưa vào đây tội xâm phạm chỗ ở mà không được sự đồng ý thì trong quá trình phát hiện ra đối tượng truy nã, phạm pháp quả tang, các lực lượng truy đuổi có nguy cơ bị coi là phạm tội không”, tướng Lê Quý Vương nêu vấn đề.
Tương tự, tội “không tố giác tội phạm” của luật sư có mâu thuẫn với nghĩa vụ của luật sư (theo Luật Luật sư) là bảo vệ mọi bí mật của thân chủ.
Cho ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, mặt hàng cấm khi cơ quan chức năng thu giữ được thì tiêu hủy theo các công ước, điều ước quốc tế.
Ông Lưu nhấn mạnh vấn đề đặt ra là số lượng, khối lượng, giá trị để định tội và lượng hình đối với người vi phạm.
"Ví dụ với 1kg sừng tê giác thu được cũng phải tiêu hủy, nhưng người buôn bán đến 100kg, 1.000 kg sừng tê giác thì tội phải khác với người buôn 1kg. Bây giờ vấn đề định lượng hay tính giá trị, khi nào tính theo số lượng, khối lượng, khi nào tính giá trị, đây là vấn đề đặt ra", Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Bình luận