• Zalo

Thứ trưởng Công an: Gia tăng tội phạm dùng vũ khí thô sơ cướp ngân hàng

Tin nóngThứ Hai, 18/12/2023 11:26:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tội phạm dùng công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ cướp ngân hàng gia tăng từ cuối năm ngoái, điều đó cho thấy sau đại dịch, hoạt động phạm tội rất manh động.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 28, sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. 

Theo đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Phát biểu ý kiến liên quan đến dự án Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, trong quá trình 5 năm thực hiện luật, hàng năm Bộ Công an đều có tổng hợp và kiến nghị về những sơ hở, bất cập trong quá trình áp dụng luật mà các đối tượng lợi dụng.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: quochoi.vn)

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc - Thứ trưởng Bộ Công an. (Ảnh: quochoi.vn)

Thứ trưởng Bộ Công an đặc biệt lưu ý trong hoạt động không gian mạng và sau đại dịch COVID-19 nên việc nghiên cứu được phân tích kỹ theo các nhóm hành vi phạm tội.

"Tôi lấy ví dụ về tội phạm sử dụng công cụ hỗ trợ và vũ khí thô sơ cướp ngân hàng diễn ra từ cuối năm ngoái trở lại đây. Hành vi phạm tội này rất ít khi xảy ra trước khi đại dịch COVID-19. Như vậy, hoạt động phạm tội tức thì của các đối tượng rất manh động", Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Cũng thảo luận về nội dung này, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh - cho hay, thực tế trong số 40.000 vụ phạm tội trong 5 năm trở lại đây liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ, các tội rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ…

Trong số các vụ án này, có nhiều công an đang thi hành nhiệm vụ bị thương và hy sinh, vì vậy, ông Lê Tấn Tới cho rằng thực tế đặt ra rất cần thiết sửa đổi dự án luật này.

Nêu thực trạng mỗi ngày, mỗi năm sẽ có thêm nhiều vụ án sử dụng nhiều loại vũ khí, vật liệu, công cụ hỗ trợ như dao gây ra án mạng cho người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất thông qua dự án luật này trong một kỳ họp theo hình thức rút gọn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Hóa chất; Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Về tiến độ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, thông qua tại kỳ họp thứ 8 như Chính phủ đề nghị. Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8, thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8. Trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại kỳ họp thứ 7 được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại một kỳ họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: quochoi.vn)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định. (Ảnh: quochoi.vn)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát trong quá trình xây dựng các dự án luật, nếu có điều chỉnh, bổ sung chính sách thì cần thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Nguyễn Khắc Định lưu ý, trong quá trình soạn thảo cần chuẩn bị kỹ các nội dung theo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của các cơ quan. Chính phủ cần tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị, khẩn trương bổ sung các luật có tính cấp bách mà thực tiễn đang đòi hỏi, đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trong các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo. 

Tại phiên họp, với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (gồm các dự án: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).

Anh Văn
Bình luận
vtcnews.vn