Trao đổi với báo chí sáng 28/7, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các phương án để thảo luận và chưa bao giờ các thành viên trong Hội đồng cùng thống nhất cao như năm nay, đó là cùng thống nhất ở mức 15 điểm.
Năm nay tổng số chỉ tiêu đăng ký của các trường là 420.000 sinh viên. Trong đó, 100.000 thí sinh được xét tuyển từ kết quả học tập 3 năm THPT. Do đó, điểm sàn được Hội đồng xét tuyển đảm bảo nguồn xét tuyển cho 320.000 chỉ tiêu.
Ông Ga cho biết, với mức điểm sàn 15 điểm năm nay thì hệ số dôi dư năm này là 1,27, thấp hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, đây chỉ là số tối thiểu cho 5 khối thi truyền thống còn các trường vẫn có tổ hợp xét tuyển riêng.
Thứ trưởng Ga cũng lưu ý năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm việc xét tuyển theo đúng chỉ tiêu đã đăng ký.
Chỉ tiêu này là năng lực tối đa mà các trường có thể đào tạo. Do đó, các trường chỉ được tuyển thấp hơn hoặc bằng chứ không được tuyển hơn.
Trả lời báo chí về điểm tiếng Anh năm nay thấp nhưng điểm sàn 15 sẽ gây khó khăn cho các trường xét tuyển khối D và xét tuyển các tổ hợp môn thi có tiếng Anh, Thứ trưởng Ga cho rằng, trước đây, tiếng Anh là môn thi tự chọn nhưng từ năm 2015 đến nay, môn học này thành môn thi bắt buộc.
Như vậy có nghĩa, từ chỗ chỉ có một số thí sinh đi thi đến mọi thí sinh đều phải thi môn này, đó là bước phát triển nhanh, dài trong quyết tâm dạy học ngoại ngữ ở các nhà trường.
Tuy phổ điểm môn thi tiếng Anh năm nay không cao nhưng số lượng các em đạt từ 5 điểm trở lên cũng rất đông chứ không như chúng ta nghĩ. Đây cũng chính là các em có nguyện vọng sử dụng tiếng Anh để xét tuyển vào ĐH. Như vậy, thí sinh quyết tâm thi khối D điểm tiếng Anh cao chứ không phải thấp. Điều đó cũng có nghĩa nguồn tuyển khối D không hề hạn hẹp, các trường không nên lo lắng.
Video: Điểm chuẩn dự kiến của Đại học Y Hà Nội năm 2016
"Hiện nay, tăng cường dạy học ngoại ngữ là 1 trong 8 chương trình lớn được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương thực hiện. Do đó, sắp tới chắc chắc việc dạy học ngoại ngữ sẽ được cải thiện. Tất nhiên, chúng ta không thể mong muốn có sự thay đổi đột biến trong một sớm một chiều" - thứ trưởng Ga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng giải thích về hiện tượng một số vùng khó khăn miền núi nhưng thí sinh lại có điểm tiếng Anh cao, thậm chí cao hơn cả các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, trong quy chế thi năm nay, về tổng thể, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc, nhưng địa phương nào điều kiện dạy học chưa đảm bảo thì học sinh vẫn có thể chọn môn thay thế.
Các vùng khó khăn, số thí sinh chọn môn thi thay thế ngoại ngữ cũng khá nhiều. Các em chọn thi môn này hầu hết là để dùng kết quả xét tuyển vào ĐH và học tốt ngoại ngữ. Ví dụ, ở Lào Cai,có 524 thí sinh đăng ký thi ngoại ngữ thì có đến 502 em dự thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ.
Bình luận