• Zalo

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cơ hội đầy hứa hẹn nhưng nhiều thách thức

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 21/08/2018 17:42:00 +07:00Google News

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn hy vọng các đại biểu quốc tế thông qua Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN 2018 có thể chia sẻ với Việt Nam những nhận thức mới, bài học, kinh nghiệm và thực tiễn tốt trên thế giới để tranh thủ cơ hội cũng như xử lý các vấn đề Cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra.

Trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018), Bộ Ngoại giao ngày 21/8 mở cuộc hội thảo “ASEAN 4.0: Phát huy tinh thần doanh nghiệp trong thời đại CMCN 4.0” với sự tham gia của các đại sứ, đại diện Đại sứ quán các nước tại Hà Nội, đại diện các Bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế hàng đầu và lãnh đạo một số doanh nghiệp Việt Nam đang đi đầu trong phát triển công nghệ cao.

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn cũng tới tham gia hội thảo và có bài phát biểu khai mạc Hội thảo.

Mở đầu bài phát biểu, Thứ trưởng khẳng định cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi sâu sắc nhiều mặt của đời sống xã hội. Đánh giá đúng tầm vóc và nhận thức được tác động của cuộc Cách mạng này đối với mỗi nền kinh tế, mỗi tổ chức và mỗi người dân là điều rất quan trọng.

bui-thanh-son-1534841344016301234371

 hứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc. (Ảnh: TTXVN)

"Với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, phương thức quản trị cũ và mô hình kinh doanh cũ. Những quốc gia đang phát triển như các nước ASEAN nếu tạo dựng được môi trường thuận lợi cho cái mới nảy nở và lan tỏa, khuyến khích mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới đến từ đổi mới sáng tạo, thì hoàn toàn có cơ hội phát triển nhanh, bền vững và bao trùm hơn trong Cách mạng công nghiệp 4.0", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh. 

ASEAN là nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với 630 triệu người dân, trong đó 260 triệu người thường xuyên truy cập Internet và dự báo sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Ở Việt Nam, khoảng 60% dân số 93 triệu người là dưới 35 tuổi, có khả năng tiếp cận nhanh với công nghệ mới, và khoảng 55% dân số sử dụng Internet. Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2020, sẽ trong Top 10 thế giới về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số với khoảng 1 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Theo dự báo của tập đoàn Google và Quỹ Temasek, nền kinh tế internet của khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 200 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 6% tổng GDP của khu vực. Đây là nền tảng thuận lợi và là thị trường đủ lớn cho đổi mới, đầu tư phát triển nhanh các mô hình kinh doanh mới ở khu vực Đông Nam Á cũng như ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, thế giới số, siêu kết nối thông minh tạo ra cơ hội cho mọi người dân đều có thể khởi nghiệp, sáng tạo, tiếp cận các nguồn lực, thông tin mới, tri thức mới và thị trường mới. Đây chính là cơ hội cho phát triển bao trùm. Môi trường siêu kết nối cũng tạo nên cách mạng về giao dịch, thanh toán, logistic, đồng thời mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Theo Thứ trưởng, cách mạng Công nghiệp 4.0 mở ra những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn, song cũng đặt ra nhiều thách thức. Tự động hóa sâu rộng, thay đổi mô hình kinh doanh gây xáo trộn, chuyển dịch, thay thế lao động quy mô lớn, nhất là trong các ngành thâm dụng lao động, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo nghề ở nhiều nước ASEAN.

Theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khoảng 56% lực lượng lao động của 5 nước ASEAN là Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam đứng trước rủi ro cao bị thay thế bởi công nghệ mới trong khoảng2 thập niên tới.Bên cạnh đó, những mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, thanh toán thông minh, taxi Uber, Grab... đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý của các Chính phủ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng để thích ứng và phát triển thịnh vượng trong một thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới, từng Chính phủ của ASEAN và doanh nghiệp các nước ASEAN cần phát huy tự cường, tìm các hướng đi và giải pháp mới. Singapore đã đưa ra sáng kiến quốc gia thông minh, Indonesia có chính sách phát triển các vườn ươm công nghệ, Thái Lan có tầm nhìn Thái Lan  4.0…

Việt Nam đang nỗ lực hướng tới tăng trưởng bền vững trên cơ sở nâng cao chất lượng tăng trưởng và tranh thủ thời cơ của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh nhằm tiến lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Việt Nam đang quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, chấn hưng giáo dục, phát huy tinh thần khởi nghiệp, khả năng sáng tạo và sự năng động của cả quốc gia.

Từ ngày 11-13/9/2018, Việt Nam sẽ cùng với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tổ chức Hội nghị WEF ASEAN với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Theo ông Sơn, hội nghị này sẽ thu hút sự tham dự của lãnh đạo các nước trong khu vực cùng đông đảo lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới và khu vực.

"Đây là một diễn đàn quan trọng cho lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực thảo luận, chia sẻ các ý tưởng, tầm nhìn và định hướng chính sách về phát triển và hội nhập của ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0", Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao nhấn mạnh. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn