Thứ trưởng Sơn nhận định với đợt dịch đang bùng phát tại Việt Nam, nhất là ở TP.HCM, số ca trở nặng gia tăng là vấn đề đáng lo ngại.
Tỷ lệ tử vong tại TP.HCM tăng
Thứ trưởng nhận định việc điều trị các bệnh nhân COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tại một số tỉnh, thành, tỷ lệ F0 có triệu chứng trở nặng đang tăng. Điều này là gánh nặng rất lớn, nhất là ở TP.HCM. Đặc biệt, ở Đồng Tháp, tỷ lệ bệnh nhân nặng đòi hỏi hỗ trợ oxy, oxy mask, oxy dòng cao (HFNC), ECMO..., ngày càng tăng. Nhu cầu máy thở của một số địa phương đã vượt quá khả năng đáp ứng của ngành y tế.
“Tỷ lệ tử vong Việt Nam hiện giờ là 0,43%. TP.HCM có khả năng tăng lên hơn 0,6%. Tại Đồng Tháp, tỷ lệ tử vong sẽ còn cao hơn nữa. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang tiệm cận với tỷ lệ tử vong trên thế giới. Chúng ta phải rất lưu ý các trường hợp bệnh nhân trở nặng và bắt buộc phải sử dụng biện pháp hỗ trợ”, ông Sơn cho hay trong hội nghị sáng 16/7 tại Bộ Y tế.
Thứ trưởng đề nghị các tỉnh, thành tập trung những biện pháp mạnh để giảm thiểu tác hại này bằng cách tăng cường các hệ thống về nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, kể cả hệ thống oxy và khí nén cho các cơ sở điều trị và khu điều trị bệnh nhân nặng.
Thứ trưởng Sơn cho biết Bộ Y tế đã nhận được đề xuất về hỗ trợ trang thiết bị điều trị COVID-19 của TP.HCM và một số tỉnh, nhưng phải "liệu cơm gắp mắm".
Bộ Y tế đã điều động máy test nhanh, máy thở HFNC cho các địa phương cần thiết, nhưng số lượng không thể như mong đợi. Ông nhấn mạnh lại tinh thần "4 tại chỗ", chủ động, không phụ thuộc quá nhiều vào trung ương.
Lo ngại lây nhiễm chéo
Chia sẻ về tình hình dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Sơn cho hay hiện thành phố kiểm soát, tầm soát được các khu phong tỏa, vùng nguy cơ cao, doanh nghiệp trong cộng đồng. Bên cạnh đó, số lượng ca mắc COVID-19 được phát hiện ở khu cách ly và vùng phong tỏa khá cao, là con số đáng lo ngại.
“Bên cạnh việc chúng ta kiểm soát được, thì cũng có những vấn đề đặt ra liên quan lo ngại về khả năng lây nhiễm ở vùng này hay không. Một số địa phương chưa có camera. Bên cạnh đó, các hoạt động cách ly, chẳng hạn TP.HCM yêu cầu cách ly 2 người một phòng, liệu đã đảm bảo hay chưa? Đây là vấn đề chúng ta cần nhìn nhận thẳng thắn. Chúng tôi rất lo ngại trước tình hình này”, thứ trưởng chia sẻ.
Ông Sơn cũng cho biết công thức truy vết gồm phát hiện sớm, truy vết, khoanh vùng, dập dịch, chú trọng khu công nghiệp từng rất thành công trong các đợt dịch trước và ở một số tỉnh, thành có ca mắc tương đối ít, có thể kiểm soát. Họ có thể truy vết được từ một F0 ra hàng chục F1, thậm chí có những chuỗi dịch bệnh lan nhanh ra hàng trăm người.
“Bây giờ, dịch nổ ra như đom đóm khắp nơi. Chẳng hạn, TP.HCM hiện có khoảng 21.000 trường hợp F0 nhưng chỉ thu dung khoảng 42.000 F1 tại nhà lẫn trong khu cách ly. Tính ra tỷ lệ là 1/2, là hai người quá ít và không hoàn toàn phù hợp với tính chất hiện nay. Do đó, công tác truy vết của chúng ta chưa cần đặt nặng lên trong giai đoạn này”, Thứ trưởng Sơn phân tích.
Ông cũng nhận định dịch COVID-19 đang có khả năng lan rộng ở các địa phương vùng lân cận với nhau, thậm chí, lan từ những tỉnh miền Nam đến Nam Trung Bộ. Trung Bộ cũng bắt đầu có khả năng lan rộng.
Trong bối cảnh này, thứ trưởng lưu ý vấn đề cách ly F1. Theo báo cáo nhanh về tỷ lệ dương tính đối với F1 được cách ly tập trung, 95% trường hợp được xác định dương tính trong tuần đầu tiên, 7-10 ngày chiếm 4%. 1% còn lại được phát hiện sau10 ngày.
Do đó, các tỉnh, thành nên lưu ý con số này, giảm một ngày cách ly F1 là càng được lợi trong bối cảnh số lượng ghi nhận hiện rất lớn.
Bình luận